Có nên sản xuất vắc xin phòng cúm A/H1N1?

(Dân trí) - Trước dịch cúm đã lan rộng trên toàn thế giới với hơn 6.600 trường hợp nhiễm bệnh, các nhà sản xuất và chuyên gia đã gặp nhau tại trụ sở của WHO để thảo luận đưa ra những quyết định quan trọng để ứng phó nhanh với loại vi rút dễ lây lan này.

Có nên sản xuất vắc xin phòng cúm A/H1N1? - 1


Phải sản xuất vắc xin…

 

Các công ty dược phẩm đã sẵn sàng để sản xuất vắc xin ngừa cúm H1N1, nhưng vì vi rút này có thể biến đổi nên câu hỏi đặt ra là: nên sản xuất với số lượng bao nhiêu? Phân bổ như thế nào? Ai cần tiêm?

 

Phụ trách các vấn đề liên quan tới cúm của WHO cho biết cuộc hội thảo, với sự tham dự của các chuyên gia độc lập và đại diện các nhà sản xuất, là nhằm để tìm kiếm câu trả lời khi nào thì sản xuất vắc xin mới trong khi các công ty dược đang phải sản xuất vắc xin phòng cúm mùa để tránh nguy cơ xảy ra 1 đại dịch do bệnh này.

 

“Không có quyết định lớn nào, không có một thông cáo nào”, ông Keiji Fukuda, người đang phụ trách các vấn đề liên quan tới cúm của WHO, thừa nhận sau cuộc họp, “Đấy là những câu hỏi vô cùng hóc búa và rất khó để giải quyết chỉ trong một cuộc họp”.

 

WHO đã bác bỏ giả thuyết của một chuyên gia Australia rằng vi rút H1N1 đang lây lan ở nhiều nước là sản phẩm của một phòng thí nghiệm khi nghiên cứu sản xuất vắc xin và vô tình bị lọt ra ngoài

 

"Bằng chứng cho thấy đây là loại virus có nguồn gốc tự nhiên chứ không sinh ra từ phòng thí nghiệm", Tiến sĩ Keiji Fukuda, phụ trách các vấn đề về cúm của WHO thông báo tại một cuộc họp báo ở Geneva.

 

WHO đã đưa ra kết luận trên sau hàng loạt cuộc thảo luận và đánh giá với các nhà khoa học thuộc các trung tâm cộng tác của tổ chức này và các chuyên gia của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE).

Nhưng cuộc họp cũng đã đưa ra những kết luận cơ bản. Đó là “Nếu chúng ta không đầu tư cho sản xuất vắc xin phòng H1N1 thì rồi chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện trở lại của chúng trong tương lai không xa với khả năng biến đổi ghê gớm và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn hay chỉ ở mức độ nhẹ, trung bình”, ông David Fedson, một chuyên gia về vắc xin, từng là giảng viên trường ĐH Virginia (Mỹ), nhấn mạnh.

 

… nhưng chưa biết phải sản xuất như thế nào

 

Hầu hết các công ty sản xuất vắc xin cúm đều chỉ sản xuất 1 loại vắc xin cho 1 thời điểm nào đó, ví như vắc xin cúm mùa hay vắc xin cho một đợt dịch lớn. Quá trình sản xuất chỉ diễn ra trong vài tháng và không thể dừng lại giữa chừng để đáp ứng yêu cầu sản xuất một loại vắc xin mới trong trường hợp dự báo của các chuyên gia y tế là “nhầm lẫn”.

 

Các nhà sản xuất vắc xin có thể sản xuất cả 2 loại vắc xin này nhưng chỉ với số lượng hạn chế - mặc dù không hề trùng hợp về mặt thời gian - nhưng họ không thể sản xuất số lượng lớn cả 2 loại vì năng lực sản xuất chỉ có vậy.

 

“Thực tế là chúng ta đang phải vật lộn với cúm mùa khi nó đang tấn công con người không ngừng nghỉ với tỉ lệ tử vong lên tới hàng ngàn người mỗi năm trên khắp thế giới. Vì vậy chỉ có một sự thoả hiệp nếu nói rằng chúng ta muốn ngừng sản xuất vắc xin đó”, ông Fukuda cho biết.

 

Ở thời điểm hiện nay, các chuyên gia y tế không dám chắc cúm H1N1 có khả năng gây chết người như thế nào và liệu vắc xin cúm mùa cần hơn hay vắc xin cúm H1N1. Và nếu vi rút cúm H1N1 biến đổi , các nhà khoa học cũng không dám chắc vắc xin sản xuất ra sẽ tác động tới vi rút này như thế nào.

 

WHO ước tính sẽ sản xuất được khoảng 2 tỉ liều vắc xin phòng cúm H1N1 mỗi năm mặc dù những đợt sản phẩm đầu tiên chưa thể có trong 4 - 6 tháng tới.

 

Khuyến nghị của một nhóm các chuyên gia về vấn đề sản xuất vắc xin sẽ được chuyển tới Chủ tịch Tổ chức Y tế thế giới Margaret Chan vào tuần tới.

 

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ đang hoạt động hết công suất để có thể tạo ra vắc xin trong vòng vài tuần tới và họ sẵn sàng chia sẻ để có thể sản xuất rộng rãi trên khắp thế giới.

Cho tới khi các công ty sản xuất vắc xin có được công thức, họ cũng không biết sản xuất bao nhiêu liều vắc xin và mất bao lâu. Tập đoàn sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới Sanofi Pasteur cho biết họ đang đợi WHO bật đèn xanh trước khi bắt đầu sản xuất vắc xin phòng cúm H1N1.

Cho tới ngày thứ Năm, đã có ít nhất 33 quốc gia với hơn 6.600 trường hợp nhiễm H1N! trên toàn thế giới, trong đó 70 ca đã tử vong. Hiện WHO vẫn duy trì mức cảnh báo 5 đối với đại dịch.

Uyên Phương

Theo Reuters