Chuyện ở trung tâm “hiếm muộn”

(Dân trí) - Những câu chuyện tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện phụ sản TƯ) không chỉ là những trường hợp do yếu tố bẩm sinh gây ra mà không ít trong số ấy “chết điếng” khi biết chính lối sống buông thả của họ là nguyên nhân.

Những người vợ bị mang tiếng oan

 

Ngồi khuất ở hàng ghế cuối cùng trong phòng đợi là một cặp vợ chồng còn khá trẻ. Người vợ to béo tên Lan ngồi chết lặng nhìn vào khoảng trống vô định, anh chồng tên Huy gầy gò ngồi bên cạnh luôn miệng lẩm bẩm, cáu gắt, sắc mặt hết tái lại đỏ gay.

 

Anh đang chờ để xét nghiệm tinh dịch đồ lần thứ hai. Khi nghe thấy loa của bác sĩ gọi đến tên, anh chồng giật bắn người đứng lên đi vào phòng dành riêng cho nam giới. Người vợ bên ngoài, đôi mắt ầng ậc nước khẽ tâm sự: “Chị lấy chồng đã 7 năm nhưng chưa lần nào có thai. Bố mẹ chồng chị vốn là quan chức tỉnh đã nghỉ hưu từ mấy năm nay luôn miệng chì chiết con trai lấy phải cô vợ “điếc”, không biết sinh nở. Chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, tự đi khám xét khắp nơi nhưng không ai cho biết chính xác chị bị làm sao”.

 

Thời gian nặng nề trôi qua. Sau rất nhiều lần động viên, thúc ép của  vợ, anh Huy mới đi kiểm tra chất lượng tinh trùng. Kết quả, số lượng “con giống” của anh vừa ít lại yếu. Được bác sĩ kê cho hàng loạt thuốc bổ để cải thiện chất lượng nhưng do bản tính ham chơi bời, nhậu nhẹt, anh Huy vẫn không chịu thay đổi cách sống. Cuối cùng, họ quyết định tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện phụ sản TƯ và  kết quả xét nghiệm cho thấy, tinh dịch của anh Huy không thấy xuất hiện “con giống” sống nữa!

 

Khác với vợ chồng Huy - Lan, chị Bình lặn lội từ Nghệ An lên đây đã không dưới 10 lần và lần nào cũng chỉ có một mình. Chị Bình không giấu được nỗi xót xa khi kể về cuộc đời của mình. Năm 19 tuổi chị có thai với người yêu nhưng đã không thể giữ bào thai ấy lại. Sau đó, vì lý do riêng hai người chia tay nhau. Vài năm sau chị mới lấy người khác, nhưng mãi vẫn không thể có con. Đi khám ở bệnh viện bác sĩ cho biết, chị đã bị tắc hai vòi trứng, hậu quả của lần phá thai trước đó. Bi đát hơn là kết quả xét nghiệm của chồng chị cho thấy chồng chị chỉ có tinh dịch chứ không có tinh trùng. Đau khổ là vậy nhưng chị còn phải chịu đựng sự phẫn uất của người chồng. Anh này cho rằng chị đánh tráo kết quả xét nghiệm của anh để bắt chồng cùng chịu“tội”. Từ đó, chồng chị cặp kè với nhiều phụ nữ khác với tuyên bố: “Sẽ kiếm con”! Sau một thời gian dài đau khổ, chị được nhiều người mách tìm đến Trung tâm này với hy vọng kỹ thuật hiện đại sẽ giúp chị có một đứa trẻ để cứu vớt lấy hạnh phúc.

 

Uống rượu, hút thuốc - nguyên nhân chính gây vô sinh nam

 

TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết: trong số các cặp vợ chồng tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản tại Viện thì nguyên nhân vô sinh do nam chiếm gần 50%, bao gồm không có tinh trùng trong tinh dịch (một nửa trong số này bị tắc ống dẫn tinh) hoặc chất lượng tinh trùng sống quá thấp.

 

Đáng lưu ý là phần lớn, trong số các trường hợp vô sinh nam do không có tinh trùng có thói quen uống rượu, hút thuốc. Sau đó là đến nguyên nhân mắc bệnh lúc nhỏ (quai bị), bệnh xã hội  hoặc do ảnh hưởng của môi trường.

 

Kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học khác cũng cho thấy: Ngoài một số nghề nghiệp phải ngồi nhiều như tài xế, có tỷ lệ bất thường tinh trùng tăng cao hơn những nhóm khác, thì số nam giới có bất thường tinh trùng (giảm di động và hình dạng bình thường) tập trung cao nhất ở những nhóm người thường xuyên hút thuốc lá (trên 20 điếu/ngày) và có tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, đặc biệt là thuốc trừ sâu. Trong khi đó, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam lên đến 50%, trong đó khoảng phân nửa có thói quen hút trên 20 điếu/ngày. Đây là một tình trạng đáng báo động, vì những nguy cơ này hoàn toàn có thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, những nghiên cứu về tác hại của yếu tố môi trường và nguy cơ lâu dài của nó đối với chức năng sinh sản của người nam, vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

 

Vẫn còn hy vọng

 

Để chẩn đoán và điều trị và những trường hợp bệnh nhân nam không có tinh trùng trong tinh dịch, các bác sĩ  thường áp dụng các kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh của tinh hoàn. Đây là kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA- percutaneous epididymal sperm aspiration). Bệnh nhân sẽ được gây tê tĩnh mạch, sau khi xác định vị trí mào tinh, thầy thuốc dùng bơm tiêm chọc hút mào tinh qua da. Soi dịch hút dưới kính hiển vi đảo ngược tìm tinh trùng để đánh giá số lượng, độ di động, hình thể.

 

Nếu không thấy tinh trùng tiếp tục thăm dò tinh hoàn bằng phương pháp chọc hút mào tinh. Bên cạnh đó, các yếu tố như tiền sử bệnh tật, nồng độ FSH, PRL, testosterone và kích thước tinh hoàn được sử dụng để tiên lượng khả năng sản sinh tinh trùng của người bệnh. Tỷ lệ tìm thấy tinh trùng ở mào tinh của nam giới lên tới gần 50%. Với tinh trùng tìm được, họ hoàn toàn có thể hy vọng có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

 

“Trong trường hợp người chồng vẫn có tinh trùng nhưng số lượng thấp thì có thể tiến hành phương pháp lọc rửa. Tuy nhiên với những tinh trùng yếu thì khả năng thành công khi chuyển phôi vào tử cung  người vợ sẽ thấp đi đáng kể”- TS Tiến cho hay.

 

P. Thanh