Chuyện những người sống bằng máu của người khác

(Dân trí) - Nếu không có máu để truyền, họ sẽ chết vì họ bị những bệnh mà cơ thể không thể tự sinh máu nuôi sống chính mình... Phận đời của họ gắn liền với bệnh viện, với những giọt máu quý báu mà những tấm lòng nhân ái đã xẻ chia…

Bệnh viện là nhà

Từ khi mới sinh ra, cô bé Phạm Thị Thoan (Thanh Hoá) loắt choắt, còi cọc đã phải gắn liền với bệnh viện vì căn bệnh tan máu bẩm sinh. Thời gian em sống trong bệnh viện cũng bằng với thời gian em ở nhà bởi em thường xuyên phải truyền máu.

Thấm thoát, năm nay Thoan đã 25 tuổi, là một thiếu nữ nhưng nhìn chỉ như trẻ 13 - 14 tuổi. Khi chúng tôi hỏi về căn bệnh của em, không kìm nổi xúc động, nước mắt em lặng lẽ tuôn trào. Không phải khóc vì đau đớn do truyền máu, cũng không khóc vì tủi thân cho số phận sinh ra đã bị căn bệnh hiểm nghèo, Thoan khóc vì thương bố mẹ già vẫn phải làm lụng vất vả, nhặt từng đồng xu lẻ, tích cóp mỗi tháng cho em vào viện truyền máu một đợt.

“Bố mẹ em đã phải vay 10 triệu tiền ngân hàng, rồi bán đi nửa mảnh đất, lao động quần quật không ngơi nghỉ mới đủ tiền cho em đi chữa bệnh bao năm nay. Giờ lớn rồi, mà em cũng chẳng giúp gì được bố mẹ, ở nhà chỉ chơi, nấu được nồi cơm, quét cái nhà chứ không thể tham gia làm việc đồng áng. Lớn thế này vẫn phải để bố mẹ già phải chăm bẵm, em đau lòng lắm”, nói đến đây, cô bé khóc nấc lên, hai dòng nước mắt tuôn trào.

Hỏi người thân của em có đi cùng chăm lo cho em mỗi đợt truyền máu từ 7 - 10 ngày, cô bé lắc đầu. Thì ra, cô bé tự đi chữa bệnh một mình từ mấy năm nay rồi. Vì nếu thêm bố hoặc mẹ đi cùng, sẽ tốn thêm một khoản sinh hoạt phí đáng kể. Vì thế, từng ấy ngày nằm viện, là Thoan tự phải lo cho mình từ cái ăn, rồi giặt giũ, đến thanh toán tiền thuốc thang...

“Đi mua cơm, nghĩ tới bố mẹ ở nhà chỉ ăn cơm với vài hạt lạc, bát tương… mà đau thắt cả ruột. Nếu nhịn đói được, một bữa ở đây bằng 3 ngày cơm của hai cụ ở nhà. Nhưng em lại đang bệnh, chế độ ăn phải có thêm tí đạm, chứ không thể ăn như người bình thường được”, Thoan chua xót nói.
 
Chuyện những người sống bằng máu của người khác - 1
Giọt nước mắt lăn dài trên má Thoan khi cô nghĩ về bố mẹ già vất vả lo tiền chữa chạy cho mình! Ảnh: (H.Hải)

Mà đợt nào có máu truyền đủ, cũng phải truyền liên tục trong 7 ngày mới được ra viện. Khi thiếu máu phải đợi, cô bé càng thêm sốt ruột. Vì thêm một ngày ở lại Hà Nội là thêm một khoản tiền sinh hoạt phí. Thoa sợ nhất là đến đợt truyền máu trong dịp hè, vì đây thường là những ngày khan hiếm máu do một nguồn cung cấp máu tình nguyện không nhỏ là sinh viên đã về quê nghỉ hè.

“May mà tiền thuốc thang, giường bệnh đều có bảo hiểm hộ nghèo chi trả. Nếu không, em sẽ chẳng còn cơ hội sống. Vì giờ bố mẹ già đã phải làm bằng hai, bằng ba sức người khác, tằn tiện lắm mới tích cóp được mỗi tháng một ít lo cho con đi chữa bệnh. Giờ em ước có việc gì nhè nhẹ, để em có thể làm tự nuôi mình, chứ tầm gửi mãi trên hai tấm thân già, thương bố mẹ lắm”, Thoan nói rồi lại khóc.

Nghe chuyện của Thoan, hai chị nằm cùng giường cũng không cầm nổi nước mắt. Vừa thương cô bé, họ cũng thương cho chính mình, kinh tế gia đình cũng chẳng khá giả gì. Chị Nguyễn Thị Hương, (Ngọc Lạc, Thanh Hoá), bị giảm tiểu cầu, cũng phải vào viện thường xuyên để truyền chế phẩm này.

Nhiều người chết vì thiếu máu

BS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện truyền máu & Huyết học T.Ư cho biết: "Máu truyền cho người bệnh luôn trong tình trạng rất căng. Vì đây là tuyến đầu ngành nên hầu như các bệnh nhân có bệnh về máu đều tập trung ở đâu. Luôn có khoảng từ 260 - 280 bệnh nhân nằm điều trị.

Ngoài máu, chế phẩm tiểu cầu (phải dùng nhiều cho người bệnh đang điều trị ung thư máu bằng hoá chất) luôn là một vấn đề nan giải. Vì để có 1 đơn vị tiểu cầu truyền cho bệnh nhân phải lọc tiểu cầu từ 3 đơn vị máu. Như vậy, phải có 3 người cho máu mới được 1 đơn vị tiểu cầu để truyền cho người bệnh. Hơn nữa, chế phẩm tiểu cầu lưu trữ chỉ được 3 ngày, còn nếu gom cả 3 túi máu lại thì chỉ qua 1 ngày là phải bỏ đi. Tuy hiện nay, tình trạng khan hiếm tiểu cầu đã được khắc phục bằng “tiểu cầu máy”, nhưng chi phí rất tốn kém, để có một đơn vị “tiểu cầu máy” phải mất khoảng 3,3 triệu đồng. Vì thế, người bệnh nghèo rất khó khăn trong điều trị.

Như với những bệnh nhân truyền hóa chất trong điều trị ung thu đòi hỏi truyền tiểu cầu liên tục. Nếu không truyền đủ tiểu cầu, bệnh nhân bị xuất huyết não và tử vong nhanh chóng. Vì thế, nếu không có được tiểu cầu lọc từ máu, sẽ phải dùng “tiểu cầu máy”, chi phí mà người bệnh phải trả sẽ đội lên rất nhiều.

Gặp bác Nguyễn Hữu Bạch (Thanh Chương, Nghệ An), 53 tuổi, đang nằm truyền máu vì căn bệnh rối loạn sinh tuỷ, bác kể: Nếu không truyền thì bác rất chóng mặt, ù tai, biếng ăn, đau đầu thường xuyên. Vì thế, mỗi tháng một lần, bác phải ra Viện Huyết học từ 5 - 8 ngày để truyền máu.

“Được bảo hiểm chi trả, nhưng tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn tới những tấm lòng nhân đạo đã chắt chiu từng giọt máu để san xẻ cho chúng tôi, những người luôn phải sống nhờ vào máu của người khác. 3 bát cơm mới được một giọt máu, quý lắm. Nếu không có nguồn máu quý giá này, chúng tôi không thể sống”, bác Bạch chia xẻ.

BS Khánh bày tỏ, không chỉ những người bị bệnh về máu như ung thư máu,bệnh suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, bệnh máu bẩm sinh (tan máu bẩm sinh, ưa chảu máu) mới cần đến máu để truyền, thậm chí phải truyền suốt đời, truyền đủ mới duy trì được sự sống. Mà hàng ngày, còn rất nhiều người bệnh cần phải tiếp máu khẩn cấp, đó là các trường hợp tai nạn phải cấp cứu, sản phụ bị băng huyết, những ca phẫu thuật… Nếu thiếu máu, họ sẽ tử vong ngay lập tức mặc dù các phương tiện cấp cứu có hiện đại đến mấy.

Thế nhưng, nguồn máu dự trữ để dành cho bệnh nhân cấp cứu cũng như những người bị các bệnh về máu phải truyền máu thì lại quá bấp bênh. Tổng số máu thu gom được từ các nguồn hiến máu tình nguyện, người mua máu chuyên nghiệp… chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu máu điều trị. Như vậy, còn tới 60% người bệnh có nhu cầu về máu mà chưa được đáp ứng, kéo theo đó là chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, thậm chí nguy cơ xấu nhất là tử vong có thể xảy ra.

Cần lắm những tấm lòng

“Cứu một mạng người hơn xây dựng toà bảo tháp". Tấm lòng mỗi người rộng mở thì thêm rất nhiều người có cơ hội vượt qua lưỡi hái tử thần. Như trong ngày hiến máu nhân đạo 14/6 mới đây, Viện tiếp nhận 1 bệnh nhân bị xuất huyết não do giảm đột ngột lượng tiểu cầu, chảy rất nhiều máu, gây xuất huyết màng não nhẹ. Thật may mắn, đây đúng là ngày hiến máu nên ngay lập tức, có 4 đơn vị tiểu cầu thường được lọc ra từ 12 đơn vị máu của 12 người cho máu để truyền kịp kịp thời nên bệnh nhân đã được cứu sống”, TS Khánh kể.

Cũng theo TS Khánh, nếu không có nguồn máu hiến tình nguyện, không có chế độ bảo hiểm y tế, thì những người mắc bệnh về máu sẽ rất gian nan, người nghèo thì không thể theo đuổi việc điều trị, còn người giàu, sau 1 - 2 năm cũng sẽ trở nên trắng tay.

Vì thế, TS Khánh đưa ra lời khuyên mọi người nên có thẻ bảo hiểm y tế để phòng cho mình những lúc rủi ro. Còn khi đang là một người khoẻ mạnh, bất cứ lúc nào có điều kiện, bạn hãy nghĩ tới việc hiến những giọt máu quý giá để hàng trăm, hàng nghìn người bệnh có cơ hội sống nhờ những giọt máu đó.

Hồng Hải