Chuyên gia dinh dưỡng nói gì về xương bê “trinh nguyên”?

Nghe theo quảng cáo, nhiều người tìm mua xương bê “trinh nguyên”, loại bê con mới sinh, chỉ bú mẹ, chưa từng ăn cỏ vì tin có khả năng chữa bách bệnh. Sự thật công dụng của chúng như thế nào?

"Treo đầu dê bán thịt chó"

Trên thị trường, thịt bò có giá từ  250 đến 450 nghìn đồng/kg, tùy loại. Xương bò ống khoảng 60 đến 80 nghìn đồng/kg.

Do cả tin, một số khách hàng tìm mua loại xương bê “trinh nguyên” có giá đắt gấp 10 lần xương bò Úc thông thường, giao động 800 – 1 triệu đồng.

Họ cho rằng, sử dụng thực phẩm này có thể đẩy lùi nhiều bệnh tật, đặc biệt là bệnh xương khớp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chị Lan, một người có thâm niên bán hàng thịt bò Úc nhập khẩu trên mạng cho biết: “Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nghe đến khái niệm xương bê “trinh nguyên”. Thực tế trên thị trường thịt bê Úc khoảng 400 đến 450 nghìn đồng/kg. Nếu có xương thì giá rẻ hơn chứ không đắt hơn thịt được”.

Chị Lan cho rằng, đây là chiêu "treo đầu dê bán thịt chó" của người bán hàng, họ đánh vào tâm lý của người tiêu dùng để thu lợi nhuận.

Giống với chị Lan, một chủ cửa hàng bán thịt bò nhập khẩu ở 2...Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội cũng không biết gì về loại xương đặc biệt này. Theo kinh nghiệm, nhiều người cho rằng, rất khó tìm mua được xương bê “trinh nguyên” chính cống. Ở Úc, quy trình chăn nuôi rất khắt khe, nên dù con bò đủ tuổi cũng không có chuyện bị cho ăn những thức ăn không an toàn. Vì vậy, không nhất thiết phải tìm mua bằng được xương bê “trinh nguyên”.  Hơn nữa, nước họ hạn chế giết hại bê con để làm thực phẩm.

Chuyên gia dinh dưỡng nói gì?

Liên quan đến thông tin xương bê “trinh nguyên” có khả năng chữa bách bệnh, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Về cơ bản, về mặt dinh dưỡng xương bê “trinh nguyên” và xương bò thông thường giống nhau. Người tiêu dùng thường sử dụng xương bò hầm nấu canh cho ngọt nước. Chúng không chữa được bệnh gì chứ chưa nói chữa bách bệnh. Tất cả chỉ là tin đồn nhảm”.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia

Theo bà Lâm, xương bò không có nhiều lượng canxi, canxi có nhiều trong sữa. Đối với việc người dân đi mua xương bò là không nên. Hàm lượng dinh dưỡng trong thịt bò cao hơn nước xương bò hầm xương rất nhiều.

Bên cạnh đó, bà Lâm cũng khuyến cáo, người có tiền sử bệnh gout tuyệt đối kiêng những thực phẩm giàu đạm có gốc Purin như hải sản, các thịt trâu, bò, ngựa, thịt dê… Thịt bò chứa lượng purin rất cao có thể làm cho bệnh nặng thêm.

Anh Ma Phí Thanh, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng qua đường dây nóng 0988xxxxxx cho rằng, nước hầm xương bò không nên dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi vì chứa nhiều chất béo bão hòa, và ít axit amin dễ gây chán ăn ở trẻ.

Nước hầm xương bê Úc cũng chỉ có các thành phần tương tự như nước hầm xương bò nói chung. Vì vậy, người tiêu dùng không nên cả tin mà mua xương với giá cao ngất ngưởng, mà hoàn toàn có thể mua các loại xương động vật khác để thay thế.

Theo Ngọc Thi

Báo Gia đình & xã hội