Chuyên gia chỉ cách cầm máu cực đơn giản cho vết thương ở cổ

(Dân trí) - Theo TS. Dương Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình cơ thể người lớn có khoảng 4-5 lít máu. Mỗi một nhịp tim máu sẽ được đẩy đi khoảng 50-60ml, do đó nếu bị tổn thương về mạch máu mà không được sơ cứu kịp thời, thì chưa đến 2 phút sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Cách sơ cứu cho người gặp phải vết thương bị đứt mạch máu. Video: Nguyễn Hùng - Trọng Trinh.

Sơ cứu cho trường hợp bị chảy máu nặng

Nhắc đến 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe chở tấm tôn cồng kềnh trên đường phố Hà Nội làm 2 người chết chỉ trong vòng 3 ngày (từ 23/9-25/9), Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (người từng xử trí hàng chục nghìn ca cấp cứu về mạch máu) - cho biết, đó thực sự là những vụ việc đáng tiếc, nếu biết cách sơ cứu đúng cách, kịp thời có thể bệnh nhân sẽ không tử vong.


Vật liệu sơ cứu khi gặp người bị tổn thương mạch máu là vải, bông, cây, que,...

Vật liệu sơ cứu khi gặp người bị tổn thương mạch máu là vải, bông, cây, que,...

Ông Hùng cho biết, đối với những vết thương của con người do tai nạn giao thông, ngã,…mà làm tổn thương đến mạch máu, khâu đầu tiên là phải sơ cứu ngay tại chỗ, tìm mọi vật liệu để cầm máu cho bệnh nhân. Nếu việc sơ cứu không được làm kịp thời, bệnh nhân sẽ mất máu, khi đưa đến bệnh viện cũng rất khó để cứu chữa.

“Trung bình cơ thể người lớn có khoảng 4-5 lít máu, mỗi nhịp tim đập sẽ đẩy khoảng 50-60ml máu đi, 1 phút tim đập khoảng 80 nhịp, do đó nếu bị tổn thương mạch máu mà không được sơ cứu kịp thời thì chỉ cần chưa đến 2 phút bệnh nhân sẽ hết máu, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, thậm chí tử vong tại chỗ” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Dương Đức Hùng, khi con người chẳng may bị tổn thương mạch máu, trước tiên hãy tự mình tìm mọi cách cầm máu, không cho máu tuôn chảy. Trong trường hợp, không tự sơ cứu được, người xung quanh cần khẩn trương tìm mọi vật liệu như vải áo, cây que,…để sơ cứu cầm máu cho người bệnh ngay lập tức, sau đó mới đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Ông Hùng lưu ý thêm: “Máu trên cơ thể người được đẩy từ tim đến các bộ phận, do đó khi cầm máu mà sử dụng biện pháp ga rô thì phải làm phía trên vết thương thì mới ngăn được dòng máu chảy ra. Việc sơ cứu không quá phức tạp, tuy nhiên cần được thực hiện kịp thời thì sẽ cứu được bệnh nhân”.

Sơ cứu khi gãy chân, hóc

Ông Hùng cũng nói thêm về sơ cứu khi bị gãy chân, tay, trẻ em nuốt các vật cứng vào cơ thể dẫn đến không thể hô hấp được. Tất cả những trường hợp này nếu không được sơ cứu kịp thời, đúng cách cũng rất dẫn đến tử vong.

Khi chân bị gãy, cần được sơ cứu theo phương pháp cố định lại, tránh rung lắc khi vận chuyển.
Khi chân bị gãy, cần được sơ cứu theo phương pháp cố định lại, tránh rung lắc khi vận chuyển.

Cụ thể, đối với trường hợp bệnh nhân bị gãy chân, tay thì cần được sơ cứu cố định chân bị gãy, sau đó chuyển đến cơ sơ y tế gần nhất chữa trị. Nếu không cố định, trong quá trình vận chuyển bị rung lắc làm bệnh nhân sốc và dẫn đến tử vong.

Còn khi gặp trường hợp trẻ nuốt vật cứng vào bụng, cần sơ cứu theo phương pháp dốc ngược bệnh nhân lên rồi dùng tay vỗ mạnh vào vùng lưng để ép vật cứng ra ngoài. Khi thực hiện động tác sơ cứu này xong thì khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.

Nguyễn Dương - Nguyễn Hùng