Chuyên gia cảnh báo tắm trắng gây nguy cơ ung thư da

(Dân trí) - Nhiều người mong muốn làn da trắng muốt nên không ngại đi tắm trắng, uống thuốc trắng da. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia da liễu, tắm trắng rất nguy hại, đặc biệt mùa hè nắng chói chang đang đến gần.

TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, bệnh viện Da liễu Trung ương giải thích, bản chất của tắm trắng là lột lớp tế bào sừng của da khiến da bóng hơn, mịn màng hơn nên người ta tưởng là trắng lên. Nhưng hậu quả là bạn sẽ mất đi lớp sừng bảo vệ da, da non sức chịu đựng sẽ kém đi dưới ánh nắng mặt trời.

Da cần được bảo vệ trước ánh nắng mặt trời.
Da cần được bảo vệ trước ánh nắng mặt trời.

Ngay cả với viên uống trắng da, bản chất cũng là hạn chế sự phát triển của các sắc tố trên da phát triển. Trong khi đó đây là lớp giúp chống đỡ lại tia nắng mặt trời, tia UV để bảo vệ da.

"Khi mất đi lớp sừng bảo vệ mà da vẫn phải tiếp xúc với ánh nắng, liệu có nguy cơ bị ung thư da không? Câu trả lời là có bởi tia cực tím là nguyên nhân chính gây cháy nắng, ung thư da. Khi da mất khả năng chống đỡ khỏi tia cực tím, lại không có các biện pháp bảo vệ như mặc quần áo kín, che chắn, dùng kem chống nắng, nguy cơ tia cực tím gây ung thư da là có", TS Kiêm khuyến cáo.

Vì thế, là một bác sĩ chuyên ngành da liễu, ông không khuyến khích tắm trắng, dùng các loại thuốc trắng da, nhất là tắm trắng với tần suất liên tục. Bởi chu kỳ phát triển của tế bào khoảng 30 ngày, phải đợi lớp da ngoài sừng hóa dần, chết đi, lớp trong dần phát triển. Nếu thực hiện việc tắm trắng liên tục càng nguy cơ.

TS Kiêm cũng cảnh báo, các sản phẩm quảng cáo trắng da trên thị trường chủ yếu đều mang tính chất lột, tẩy đi lớp tế bào biểu bì (tế bào sừng trên cùng) bị già hoá, đen do bị tác động của môi trường, tia tử ngoại. Đáng nói là để da thực sự sáng, nhiều người dùng các sản phẩm mang tính lột, tẩy da này một cách liên tục.

"Đây là cách làm trắng phản khoa học bởi khoảng 4 tuần lớp da ngoài mới già hoá. Vì dù muốn làm sáng màu da hơn, cũng phải dựa vào nguyên tắc tự nhiên. Nếu lột, tẩy liên tục sẽ khiến da sẽ trở nên rát, đỏ ứng, dễ bị kích ứng. Hơn nữa, da trắng hay đen là do cấu trúc tự nhiên của gien nên dùng thuốc không thể thay đổi được màu sắc của da. Việc tác động từ bên ngoài chỉ có tác dụng rất hạn chế. Tắm trắng thực chất là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da chết bên ngoài trong thời gian nhất định chứ không thể làm thay đổi số lượng sắc tố trong da", TS Kiêm nhấn mạnh lại.

Đặc biệt, khi tác động trên cả một vùng rộng, da bị tổn thương (bỏng nhẹ) do lột nhiều, sẽ rất dễ bị bội nhiễm. Trên thực tế, Viện Da liễu Quốc gia điều trị cho những bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm trên vùng da rộng, bị rộp như bỏng, chảy nước…

Lớp da non bị tẩy, lột liên tục càng trở nên yếu ớt, nhạy cảm với bức xạ tử ngoại vì nó chưa kịp sinh ra tế bào sắc tố nên nhanh chóng bị đen sạm. Nếu vẫn tiếp tục lột những lớp da non bị lão hóa nhanh chóng này, da sẽ trở nên mỏng, dễ kích ứng, khi đó da bị xỉn màu và nổi mụn nhiều… là điều tất yếu.

Vì thế, để làm da sáng hơn, tốt nhất sử dụng phương pháp tắm dưỡng da đúng hơn là tắm trắng. Qua một quá trình, da được nuôi dưỡng tốt hơn, khỏe mạnh hơn sẽ có tác dụng chống lại tác nhân môi trường, sẽ đỡ đen hơn. Tuy nhiên, để có được kết quả, cần phải có một quá trình. Bên cạnh đó cần uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh sẽ giúp ra bóng khỏe.

Cũng cần bảo vệ da đúng cách trước ánh nắng mặt trời như bôi kem chống nắng, dùng mũ rộng vành, quần áo che chắn...

TS Kiêm cũng khuyến cáo có thể dùng một số sản phẩm có tính chất lột nhẹ để loại bỏ lớp tế bào sừng ở vùng mặt, thân nhưng phải rõ nguồn gốc, axit có nguồn gốc từ hoa quả thì sẽ có độ an toàn cao hơn.

"Việc tẩy tế bào chết cũng chỉ nên thực hiện 1 lần/tuần là đủ để không gây lột tẩy hết lớp tế bào sừng, lộ vùng da non rất dễ bị bắt nắng, xấu da và gây hại cho da.

Hồng Hải