Chuyến bay đặc biệt chở trái tim vượt hơn 1.000km cứu người

(Dân trí) - Một chuyến bay từ TPHCM đi Huế đã được đặc cách vận chuyển trái tim và lá phổi của người hiến tạng quá cố cùng thiết bị hỗ trợ để cứu người bị suy cả tim và phổi.

Trước đó, bệnh nhân 22 tuổi này được bệnh viện địa phương phẫu thuật cấp cứu rồi chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng rất nguy kịch. Mọi nỗ lực cứu chữa của khoa Hồi sức Ngoại thần kinh đều vô vọng. Bệnh nhân bị chết não không thể phục hồi. 

TS Ngọc Thu (đứng giữa) cùng cán bộ, nhân viện bệnh viện Chợ Rẫy đưa tiễn người hiến tạng quá cố
2 bệnh nhân được ghép thận ngày 20/7 sức khỏe đã bình phục tốt

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình bệnh nhân đã nắm bắt được tinh thần của cuộc vận động hiến tạng cứu người. Khi chúng tôi tới vận động, họ nhanh chóng thống nhất phương án hiến đa phủ tạng thân nhân của mình”, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép tạng, bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.  

Ngay sau khi thân nhân người bệnh tự nguyện hiến tạng, cuộc “chạy nước rút” với tử thần và thời gian của các y bác sĩ để đảm bảo tiến độ lấy, ghép tạng trở nên quyết liệt, các xét nghiệm nhanh chóng được tiến hành. Do người hiến tạng thuộc nhóm máu AB nên chỉ người cùng nhóm máu trên mới có thể nhận nguồn tạng hiến. 

Cuộc tìm kiếm người nhận tức tốc được thực hiện song hành với việc triển khai hồi sức cho bệnh nhân để duy trì tuần hoàn, đảm bảo sự sống và các chức năng của tạng phủ. Bên cạnh đó, Hội đồng đánh giá tình trạng chết não, 3 giờ phải hội ý 1 lần (trong 24 giờ) dưới sự chỉ đạo sát sao của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy.

Cũng trong thời gian trên, bệnh viện Chợ Rẫy kết nối với bệnh viện ASAN (Hàn Quốc) để nhờ chuyên gia hỗ trợ về mặt chuyên môn, đồng thời mời Ngân hàng Giác mạc thuộc Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM và bệnh viện TƯ Huế để kết hợp lấy giác mạc, lấy khối tim - phổi từ người bệnh. 

Nhận được thông tin có nguồn mô tạng hiến, ngay lập tức các đơn vị trên cử chuyên gia hỏa tốc đến bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp nhận tạng. Do không kịp thời gian nên mẫu máu của người đăng ký nhận tim - phổi được các y bác sĩ từ Huế mang theo chuyến bay vào TPHCM gửi đến bệnh viện Truyền máu Huyết học xét nghiệm, kết quả thuận hợp được xác định.  

2 bệnh nhân được ghép thận ngày 20/7 sức khỏe đã bình phục tốt
TS Ngọc Thu (đứng giữa) cùng cán bộ, nhân viện bệnh viện Chợ Rẫy đưa tiễn người hiến tạng quá cố

Đúng 6h22' ngày 20/7, quá trình ngưng tuần hoàn ở người bệnh xảy ra, ê kíp bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật lấy khối tim phổi cùng gan, thận, giác mạc. Bộ phận giác mạc được chuyển về Ngân hàng Giác mạc TPHCM, gan và thận được bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương thực hiện cuộc ghép cho 3 bệnh nhân (2 ca ghép thận, 1 ca ghép gan). Riêng khối tim - phổi, thời gian tốt nhất để thực hiện cuộc ghép sau khi lấy tạng là 4 - 6 tiếng nên cần chuyển ra bệnh viện Trung Ương Huế càng sớm càng tốt.  

Để đảm bảo thời gian và việc vận chuyển khối tim phổi, trước đó Đơn vị điều phối ghép tạng Chợ Rẫy cùng bệnh viện Trung Ương Huế đã liên hệ nhờ sự hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Quy trình vận chuyển đặc biệt bộ phận cơ thể người cùng các phương tiện hỗ trợ trong chuyến bay từ TPHCM đi Huế nhanh chóng được phê duyệt. 

“Khi khối tim - phổi được lấy thành công, các chuyên gia của bệnh viện Trung Ương Huế không kịp thay y phục, 10 phút sau họ đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất và đáp chuyến bay đến Huế vượt thời gian dự kiến. Cuộc ghép cho bệnh nhân suy cả 2 bộ phận tim - phổi được thực hiện thành công. Theo thông báo của các đồng nghiệp ở Huế, hiện trái tim được ghép đã có nhịp đập tương đối ổn định. 2 ca ghép thận và 1 ca ghép gan tại bệnh viện Chợ Rẫy sức khỏe đã tạm ổn.” TS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.

2 bệnh nhân được ghép thận ngày 20/7 sức khỏe đã bình phục tốt
Một trong 2 ca bệnh đầu tiên được thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận từ người hiến ngưng tim tại Chợ Rẫy

Theo dự kiến sáng 22/7, bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM sẽ thực hiện cuộc ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân nghèo (1 trường hợp bị sẹo giác mạc mắt, trường hợp còn lại bị loạn dưỡng giác mạc mắt). GS Trần Ngọc Sinh, Tổng thư ký Hội tiết niệu – thận học Việt Nam chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên ngành y tế phối hợp rất thành công trong việc điều phối, nhận và ghép triệt để nguồn mô tạng nhận được từ người hiến. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành liên quan đã đưa khối tim - phổi di chuyển một quảng đường dài từ TPHCM ra Huế để thực hiện nhiệm vụ cứu người mang đầy tính nhân văn.”

Trước đó, ngày 18/6, một bệnh nhân bị đột quỵ được chuyển đến Chợ Rẫy điều trị. Dù bệnh viện đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh tình quá nặng, bệnh nhân đã ngưng tim. Sau khi nhận được thông báo từ khoa Nội thần kinh, Đơn vị điều phối hiến ghép tạng, bệnh viện Chợ Rẫy đã đến thăm hỏi, chia buồn đồng thời giải thích vận động gia đình hiến tạng người quá cố để cứu giúp cho những bệnh nhân khác đang trong cơn nguy khốn vì suy tạng. Sau những bàn bạc khẩn trương, trong lúc đau buồn nhưng nghĩ đến những gia đình khác cũng sẽ phải chịu cảnh tang thương như mình, người thân đã đồng ý hiến 2 quả thận của người quá cố.

Ngay lập tức, các xét nghiệm kiểm tra tiến hành, bệnh viện nhanh chóng tìm ra 2 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối có các chỉ số thuận hợp với người hiến. Lần đầu tiên trong ngành y tế Việt Nam, các bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận từ người hiến ngưng tim. 

Một tháng sau ca ghép trên, sức khỏe của 2 bệnh nhân may mắn nhận được thận từ người quá cố bình phục rất tốt. Hiện 1 bệnh nhân đã xuất viện, bệnh nhân còn lại là anh N.V.V. (45 tuổi, ngụ Long An) sức khỏe cũng diễn tiến khả quan, dự kiến sẽ đoàn tụ với gia đình trong vài ngày tới.

Ngày 21/7, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, những nỗ lực từ cuộc vận động hiến tạng cứu người của ngành y tế nói chung và bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng đang nhận được tín hiệu khả quan. Chỉ trong vòng 1 tháng, tại bệnh viện đã có 2 người chẳng may qua đời vì đột quỵ và tai nạn lao động được gia đình đồng ý hiến mô tạng.


Vân Sơn

Email: vansondantri@gmail.com

2 bệnh nhân được ghép thận ngày 20/7 sức khỏe đã bình phục tốt