Chủng vi khuẩn tả ở Việt Nam có sự biến đổi?

(Dân trí) - Sáng 22/4, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ 5/3 đến nay trên 20 tỉnh có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với 2.490 bệnh nhân tiêu chảy, trong đó có 377 ca tả. Nghệ An là tỉnh mới nhất có bệnh nhân.

Hiện có 4 tỉnh Quảng Bình, TPHCM, Thái Nguyên, Phú Thọ đã qua 14 ngày không ghi nhận bệnh nhân mới. Hà Nội vẫn là địa phương đứng đầu với 1.032 ca tiêu chảy, tiếp đến là Hà Tây (691ca), Bắc Ninh (144 ca), Thanh Hoá (138 ca), Hải Phòng (103 ca).

TS Jea-Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới đang tồn tại 2 chủng vi khuẩn tả là loại cổ điển và Eltor. WHO lo ngại, dịch tả tại Việt Nam là có sự kết hợp giữa 2 chủng vi khuẩn tả này tạo nên sự biến đổi về độc lực. Ông rất lo lắng về sự biến đổi này, vì nếu có sự biến đổi thì vi khuẩn tả có thể lây lan được dễ dàng hơn trong môi trường, kể cả mùa lạnh, khô hay mùa mưa. Khi đó, các đợt dịch mới có khả năng bùng phát lại là rất lớn.

Trên thực tế tại Việt Nam, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xảy ra vào tháng 11/2007, khi mà thời tiết khô và lạnh, đây là điều không bình thường bởi bệnh về đường tiêu hoá thường xảy ra vào mùa hè. Vì thế, các chuyên gia cũng nghĩ tới khả năng liệu chủng vi khuẩn tả ở Việt Nam đã có sự biến đổi về độc lực?

TS Anderson, chuyên gia Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho rằng, tả có thể trở thành dịch lưu hành ở VN, khi đó, dịch sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Nguy cơ những đợt dịch mới có thể bùng phát vào mùa mưa tới.

Hiện tại, dù số bệnh nhân mắc tiêu chảy đang có xu hướng giảm dần nhưng lại xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, trong khi đó, tình hình thực phẩm ô nhiễm tồn tại khắp mọi nơi, còn người dân thì chưa có ý thức vệ sinh phòng bệnh chính là mối đe doạ, khiến dịch tả còn dai dẳng và có thể xuất hiện những đợt mới trong thời gian tới.

Nhất là tại Việt Nam, việc kiểm soát nguồn lây bệnh còn rất nhiều khó khăn, không chỉ ở nguồn nước mà còn ở người lành mang khuẩn. Vì khi một người mang bệnh sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới 30-40 người lành mang trùng.

Trước thông tin có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm do uống trà đá, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt nam cảnh báo, nước đá bẩn cũng như bất cứ nguồn nước nào đều có thể nhiễm tả. Các chuyên gia của WHO khuyến cáo, đá lạnh dưới 0 độ C cũng không có tác dụng diệt khuẩn. Vì thế, vi khuẩn tả hoàn toàn có thể tồn tại trong môi trường nước đá từ vài tuần đến vài tháng.

Trên thực tế, tại các phòng thí nghiệm, người ta vẫn làm đông lạnh nhằm bảo tồn các loại vi khuẩn, kể cả khuẩn tả nhằm mục đích nghiên cứu. Ðể tránh lây nhiễm tả, người dân phải làm và sử dụng nước đá bằng nước sạch đã qua khử khuẩn. Nếu nước đá nhiễm tả, ăn phải, rất có khả năng nhiễm bệnh.

Ngọc Linh