Chuẩn bị mang bầu

(Dân trí) - Nếu bạn chuẩn bị cưới hay đang muốn có bé, hãy lưu ý những lời khuyên dưới đây để có một sức khỏe tốt nhất cho chính mình và baby tương lai.

Kiểm tra lại biện pháp phòng tránh thai

 

Nếu bạn đang đặt vòng tránh thai thì tất nhiên là phải tới bác sĩ để lấy nó ra. Nếu bạn đang uống thuốc tránh thai hay sử dụng một loại hormone nào đó dạng tiêm thì hãy đợi cho đến khi kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn và phải trải qua ít nhất 3 chu kỳ kinh mới nên có bầu.

 

Nếu bạn có bầu ngay sau khi ngừng thuốc thì cũng đừng lo lắng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các phương pháp tránh thai được phép sử dụng hiện nay không làm tăng nguy cơ bị sảy hay gây ra các dị thường ở thai nhi. Trên thực tế, những phụ nữ uống thuốc tránh thai có tỉ lệ sảy thai, hỏng thai thấp hơn những phụ nữ không sử dụng thuốc tránh thai.

 

Có khoảng 50% phụ nữ mang bầu ngay trong vòng 3 tháng đầu tiên sau khi ngừng thuốc thì cũng khoảng từng đó phải mất tới 1 năm thậm chí hơn mới có thể thụ thai. Sự chậm trễ này thường xảy ra ở những phụ nữ tuổi 30 hoặc hơn, hoặc chưa sinh lần nào, đặc biệt nếu họ dùng thuốc là do không thể đặt vòng.

 

Các chuyên gia y tế khẳng định biện pháp tránh thai bằng hormone hoàn toàn không gây ra vô sinh.

 

Tránh dùng các loại thuốc không cần thiết

 

Trước khi mang bầu, hãy nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc hay các loại vitamin khoáng chất bổ sung nào bạn đang sử dụng.

 

Rất nhiều loại thuốc có cảm giác là an toàn nhưng thực sự lại gây nguy hiểm cho quá trình mang thai. Ví dụ, thuốc chống viêm không xteroid (NSAIDs) có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, đặc biệt là trong thời điểm thụ thai hay khi quá trình thụ thai mới diễn ra được 2 tuần.

 

Bổ sung khoáng chất

 

Hãy bắt đầu bằng việc bổ sung các vitamin và khoáng chất. Hãy uống 1 viên vitamin có chứa 0,4mg (400mcg) axit folic (folate – B9)/ngày trước khi mang bầu 3 tháng để giảm nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

 

Nếu tiền sử gia đình có bệnh này hoặc bạn đã từng sinh bé bị như vậy thì lượng axit folic cần cho mỗi ngày là 4mg (4.000mcg). Các loại vitamin và khoáng chất khác như can-xi cũng rất cần cho sức khỏe của mẹ và bé.

 

Cắt giảm những loại thực phẩm ít dinh dưỡng và ăn uống cân đối, đảm bảo đủ dinh dưỡng hơn. Mang thai không phải là thời điểm để bạn giảm cân. Nếu muốn giảm cân, hãy làm điều đó sau khi sinh.

 

Đừng ăn những thực phẩm thô bởi bạn sẽ không thể hấp thụ các vi chất có trong đó và sự thiếu hụt các vi lượng sẽ có hại cho bạn và baby của bạn.

 

Kiểm tra tổng quan

 

Đừng do dự đến gặp bác sĩ nếu có bất cứ vấn đề nào hoặc cần tìm hiểu về sức khỏe.

 

Hãy chắc chắn rằng bạn đã được chủng ngừa đầy đủ. Ví dụ nếu bạn chưa từng bị sởi Đức (rubella) hay chưa từng tiêm phòng bệnh này hoặc là bạn không chắc chắn lắm, hãy đến gặp ngay bác sĩ. Nếu các xét nghiệm máu cho thấy bạn chưa được miễn nhiễm thì bạn nên tiêm phòng. Việc tiêm phòng cần phải được tiến hành trước khi có bầu ít nhất 3 tháng.

 

Khi tiến hành kiểm tra tổng quan, bạn có thể đề nghị được kiểm tra về khả năng thụ thai của mình. Những xét nghiệm cần thiết sẽ giúp bạn xác định rõ được những nguy cơ mà bạn hay baby có thể gặp phải trong quá trình thai nghén. Những kiến thức này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định là có cần phải có bác sĩ riêng trong quá trình mang bầu, liệu bạn có cần sự chăm sóc đặc biệt trong giai đoạn quan trọng này không…

 

Đến bác sĩ nha khoa

 

Hãy khám răng và trám lại tất cả những răng sâu trước khi bạn muốn mang bầu. Nếu bạn bị các bệnh về nha chu thì cũng cần phải được điều trị dứt điểm trước khi mang bầu.

 

Những bệnh về nha chu thường xuất hiện và trở nên trầm trọng trong quá trình thai nghén sẽ làm tăng nguy cơ bị preeclampsia (bệnh tăng huyết áp đột ngột ở nữ).

 

Hãy ghi chép các chu kỳ kinh

 

Bạn muốn tăng cường kiến thức sinh sản để tăng cơ hội mang bầu. Hãy ghi chép cẩn thận chu kỳ kinh và cả khi sinh hoạt tình dục. Thông tin này sẽ giúp bạn tính được ngày cũng như tuổi thai sau khi bạn biết mình thụ thai.

 

Ngày cuối cùng của kỳ kinh trước khi mang bầu sẽ giúp bạn dễ dàng tính được ngày bé sẽ chào đời. Thêm nữa, tuổi thai rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn làm các test, điều trị và có các chế độ chăm sóc phù hợp.

 

Thay đổi lối sống

 

Giảm và ngừng uống các loại đồ uống chứa cafein như cà phê, trà và cola.

 

Ngừng uống rượu và hút thuốc. Rượu và thuốc sẽ rất có hại cho quá trình phát triển của bào thai.

 

Rèn luyện thể lực để có sức khỏe tốt nhất khi mang bầu. Hãy tập luyện ở mức độ vừa phải, ít nhất 30 phút mỗi ngày để duy trì và tăng cường sức khỏe.

 

Uyên Phương

Theo MSN

Dòng sự kiện: Mang thai