Chưa thể công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

(Dân trí) - Ngày 5/5, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và môi trường, cho biết: "Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cơ bản đã được khống chế nhưng Bộ Y tế chưa xem xét tới việc công bố hết dịch, vì hiện tại, vẫn chưa thể khống chế người lành mang trùng.

Ông Nga cho biết thêm, thông thường, nếu sau 14 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới thì có thể khẳng định hết dịch.

Trong tình hình thực tế hiện nay, số bệnh nhân tiêu chảy cấp đang giảm mạnh trên toàn quốc. Nhiều địa phương đã qua 14 ngày không có bệnh nhân mắc mới. Trong vòng 1 tuần qua, chỉ có rải rác một số bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện, trong đó chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với phẩy khuẩn tả…. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa xem xét tới khả năng công bố hết dịch.

Vì theo ông Nguyễn Huy Nga, nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan vẫn còn rất lớn, không chỉ do khó kiểm soát về nguồn thực phẩm mà còn do chưa thể kiểm soát người lành mang trùng. Như tại Hà Nội, TT Y tế dự phòng Hà Nội phát hiện được 269 người lành mang phẩy khuẩn tả trên địa bàn Hà Nội nhưng trên thực tế có thể cao hơn nhiều.

Trong khi đó, tình hình VSATTP rất đáng báo động không riêng gì ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh thành khác, tình trạng cũng tương tự. Qua một thời gian ngắn kiểm tra tại nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn tại Hà Nội, đã có 30 cơ sở bị đình chỉ. Tuy nhiên, qua kiểm tra lại thì có tới 90% các hàng quán bị tạm đình chỉ vẫn tái phạm các lỗi về VSATTP. Đây chỉ là con số bề nổi, vì thực tế, số hàng quán kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội là hàng nghìn quán, đây chỉ là một số quán ít ỏi được “sờ” tới.

Trong khi đó, trên toàn quốc, sau hơn 3 năm pháp lệnh VSATTP có hiệu lực, nhiều tỉnh mới bắt đầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chỉ đạt trên dưới 10%, còn tới 90% cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống chưa thể kiểm soát được.

Như vậy, chất lượng VSATTP tại các cơ sở này là hoàn toàn thả nổi. Kéo theo các mối nguy về ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm nhất là nguồn lây vi khuẩn tả trong cộng đồng khiến bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm ngày càng lan nhanh.

Ngoài ra, người lành mang trùng cũng là một nguy cơ khiến dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào. Vì trung bình cứ có 1 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả có biểu hiện lâm sàng thì có khoảng 30 - 40 người lành mang trùng. Phẩy khuẩn tả có thể sống 30 - 45 ngày trong cơ thể những người này.

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm càng có nguy cơ bùng phát mạnh khi mùa hè tới bởi thực phẩm dễ ôi thiu, người dân sử dụng nhiều nước đá, nhất là đá cây không hợp vệ sinh, các loại hải sản ăn tái hoặc chưa nấu chín sẽ là điều kiện thuận lợi cho khuẩn tả lây lan. Vì bình thường, phẩy khuẩn tả thường tồn tại trong môi trường khoảng 1 tháng, nhưng có thể sống trong sinh vật biển hàng năm liền.

Hơn nữa, các chuyên gia lo ngại, vi khuẩn tả gây bệnh ở nước ta đã có sự biến đổi về độc lực. Vì thế, hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư vẫn tiếp tục phối hợp chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới để nghiên cứu vi khuẩn tả chủng El Tor xuất hiện ở nước ta trong các đợt dịch vừa qua.

Bộ Y tế lo ngại khả năng dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả có thể trở thành dịch lưu hành ở Việt Nam, khi đó sẽ liên tục có bệnh nhân mới, xuất hiện rải rác ở nhiều vùng.

Trong tình hình dịch đang có dấu hiệu giảm, Bộ Y tế vẫn cảnh báo người dân không nên chủ quan, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây bệnh, không ăn các thực phẩm có nguy cơ cao.

Hồng Hải