Chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn: Chỉ là đồn thổi!

(Dân trí) - Những lời quảng cáo “thuốc gia truyền” hay bất cứ phương pháp chữa khỏi vẩy nến nào hoàn toàn chỉ là... quảng cáo. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân vì tin những lời quảng cáo này theo đuổi điều trị dẫn đến nhiễm độc thuốc, suy thận... và ban đỏ vẩy nến vẫn xuất hiện trầm trọng toàn thân.

Nỗi khốn khổ của bệnh nhân vẩy nến

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, tại Việt Nam có khoảng 1-5% dân số mắc bệnh vảy nến, tương đương có ít nhất 1-2 triệu người bệnh. Lứa tuổi mắc nhiều nhất là 13 - 45 tuổi.

“Vẩy nến là bệnh lành tính, ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nặng nề tới tâm sinh lý, thẩm mỹ người bệnh. Bởi khi mắc bệnh, trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt đỏ, sau đó bong vẩy. Những tổn thương với nhiều nốt bong tróc toàn thân trên da khiến người bệnh rất mặc cảm bởi người ngoài nhìn thấy là sợ, cứ nghĩ bị mắc mắc AIDS, giang mai. Nhiều người cũng lo ngại các nốt tổn thương có thể lây lan nên càng kỳ thị người bị vẩy nến”, TS Thường cho biết.

Có mặt tại buổi chạy gây quỹ vì bệnh nhân vẩy nến sáng 25/10, bác N.N.M (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đến nay  bác đã sống chung với bệnh vẩy nến 5 năm.

Những tổn thương trên da của bệnh nhân vẩy nến. Ảnh: P.L
Những tổn thương trên da của bệnh nhân vẩy nến. Ảnh: P.L

Nhớ lại khi mới mắc bệnh, bác M cho biết, sau một đêm ngủ dậy, bỗng dưng bác bị sưng các khớp ngón tay. Đi khám bác sĩ cũng chỉ cho uống thuốc viêm khớp và 2 năm sau, trên cơ thể bác xuất hiện nhiều các nốt đỏ bong tróc và được xác định là vẩy nến.

“Có bệnh thì vái tứ phương, tôi điều trị khắp cả, từ đông, tây y, lang vườn… nhưng không khỏi. Người thân nhìn mình cũng kinh nữa là người ngoài bởi toàn thân như bị ghẻ lở, bẩn thỉu. Mãi khi đến BV Da liễu được xác định vẩy nến thì các nốt lở loét toàn thân mới đỡ hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn phải chịu di chứng khớp sưng khèo, mất khả năng cầm nắm, lao động”, bác M chia sẻ.

Còn mẹ của một bệnh nhi cho biết, con chị chưa một lần được bơi ở bể bơi công cộng bởi khi cởi đồ ra, các nốt đỏ trên người khiến mọi người đều kinh hãi, từ chối cho bé xuống bể, dù bác sĩ nói đây là căn bệnh không lây lan. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn không cho con chơi với bé vì sợ lây. Nhiều lần chứng kiến cảnh con bị chúng bạn tẩy chay mà rơi nước mắt. Mặc dù cố tìm tòi khắp nơi cho con chữa, nghe nơi nào có thầy giỏi, bài thuốc hay là đến nhưng cuối cùng vẫn chỉ có theo đuổi điều trị ở bệnh viện là ổn định nhất.

Bệnh nhân tên H (Tây Sơn, Hà Nội) cho biết, chị đã sống chung với căn bệnh này 9 năm và cũng bằng đó thời gian chị không có chồng bên cạnh bởi từ khi phát bệnh (cuối năm 2006), thấy dọc hai cánh tay chị xuất hiện những mảng tổn thương, lở loét, chồng chị đã quá sợ hãi, bỏ đi. Người thân cũng kỳ thị khi thấy tay chân chị lở loét, thậm chí không dám ngồi gần, không sang nhà chơi vì sợ lây lan. Suốt một thời gian dài chị đi chữa khắp trong nam ngoài bắc, uống không biết bao thuốc Đông y của các thầy lang nhưng những vết loét vẫn không liền, liên tục tổn thương.

TS Thường cho biết, những tổn thương trên da khiến người sợ hãi lây nhiễm nhưng thực tế bệnh không lây lan. Vẩy nến là bệnh liên quan đến yếu tố di truyền và rối loạn miễn dịch, hay tái phát nhưng lành tính. Đến nay y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, nên chưa thể dự phòng hoàn toàn. Nhưng khi phát hiện sớm và điều trị đúng có thể giảm tần số tái phát, giảm di chứng tổn thương trên da, dính khớp gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn

Tiến sĩ Thường khẳng định, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, gia truyền quảng cáo chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn là không chính xác Hiện có nhiều phương pháp điều trị vẩy nến nhưng hiện vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn.

“Khỏi” ở đây thực ra là bệnh giảm thiểu trong một thời gian rồi lại bị, còn không thể khỏi hẳn được. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa thì bệnh có thể ít tái phát hoặc tái phát ở mức độ nhẹ và bệnh nhân lại cần điều trị lại.

Thế nhưng nhiều người bệnh lại không biết điều này, dù điều trị tại viện vẫn bôn ba khắp nơi để tìm thuốc chữa, thậm chí có người bỏ hẳn điều trị tại viện để theo thuốc lang. Tại BV Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp tự tìm thuốc điều trị dẫn đến biến chứng gây đỏ da toàn thân, da nổi mụn mủ, khớp dính lại. Với những trường hợp bệnh nặng, vảy nến có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. Một số bị nhiễm độc thuốc dẫn đến suy thận, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Thêm một yếu tố dẫn đến bệnh dễ tái phát được TS Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam chia sẻ, đó chính là tình trạng stress, lo lắng, buồn bã của người bệnh.

Khi bị vẩy nến, người bệnh rất khó chịu, ngứa ngáy và cả đau đớn tại các tổn thương trên da (do nứt và chảy máu) nên họ thường xấu hổ, mặc cảm, lo lắng, buồn phiền, thậm chí là chán nản, buông xuôi, thất vọng... v.

“Một “bài thuốc” tinh thần rất quan trọng với bệnh nhân vẩy nến là hãy chấp nhận, sống hòa bình với nó bởi stress làm bệnh trầm trọng hơn, nhanh tái phát hơn. Vì thế, người bệnh hãy chấp nhận và đi khám định kỳ để kịp thời điều trị những đợt tái phát. Tuyệt đối không nghe theo những lời đồn thổi, quảng cáo chữa khỏi vẩy nến hoàn toàn bởi đến nay, trên thế giới, y học chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi dứt điểm căn bệnh này”, TS Khang khuyến cáo.

Lần đầu tiên chạy bộ gây quỹ ủng hộ bệnh nhân vẩy nến

Nhân Ngày Vẩy nến thế giới, sáng 25/10 Đại sứ quán Đan Mạch phổi hợp với Hội Da liễu Việt Nam tổ chức sự kiện chạy bộ và gây quỹ cho bệnh nhân vẩy nến. Qua sự kiện, đơn vị tổ chức muốn chuyển tải thông điệp vẩy nến là bệnh không lây và tất cả mọi người nên giúp đỡ bệnh nhân vẩy nến để tránh khỏi những sự phân biệt đối xử và bị kỳ thị ở ngoài xã hội cũng như trong mô i trường công việc. Đồng thời cung cấp nhiều kiến thức khoa học để người bệnh vẩy nến có thể yên tâm chung sống hòa bình với căn bệnh này.

Hồng Hải