TPHCM:

Chưa hết căng thẳng với nhà nuôi yến trong khu dân cư

(Dân trí) - Sau thông tin chưa phát hiện vi rút H5N1 trên chim yến sống tại Ninh Thuận, người nuôi yến tại quận 9, TPHCM như cởi được nỗi lo. Tuy nhiên, họ cũng chưa dám mừng vì nếu chim yến dương tính vi rút cúm thì người nuôi rất khó đối phó.

Anh Sanh, chủ cơ sở Phú Thịnh Phát chuyên nuôi yến và thi công nhà yến tại P. Trường Thạnh, quận 9 cho biết: “Nói là “nuôi” yến nhưng thật ra mình chỉ làm nhà cho chim yến tới làm tổ. Mình không cho nó ăn, cũng không thể bắt nó để chích ngừa. Mấy ngày nay tôi theo dõi tin tức trên báo chí rất nhiều, được biết chim yến ở Ninh Thuận không có vi rút H5N1 thì cũng đỡ lo đôi chút”.

Còn anh Diễn, nhà ở đường Lý Chính Thắng (Q.3) cũng chuyên tư vấn và đang nuôi yến ở các tỉnh miền Tây chia sẻ: “Tình hình này với người nuôi yến vẫn đang nhạy cảm lắm. Tôi đang theo dõi các thông tin y tế xem liệu có loại thuốc nào để phun xịt cho nhà yến hay không”.
 
Tại quận 9, các nhà nuôi yến tập trung nhiều ở P. Phước Bình và P. Long Phước tổng số có thể lên đến 50-60 nhà yến. Tại P. Long Phước có nhiều nhà yến hơn do xa khu dân cư, nhiều chỗ phải đi xuồng mới đến nơi.
 
Chưa hết căng thẳng với nhà nuôi yến trong khu dân cư
Chưa hết căng thẳng với nhà nuôi yến trong khu dân cư
Chưa hết căng thẳng với nhà nuôi yến trong khu dân cư

Nhiều nhà nuôi yến rải rác cạnh đường Liên Phường và khu Nam Long, phường Phước Bình, quận 9
 
Còn tại P. Phước Bình, nhiều nhà yến ở gần khu dân cư và có trường hợp nuôi yến ngay tại nhà ở. Đó là nhà chị Quỳnh Liên ở đường 10, khu phố 4. Chị Liên nuôi yến đã 2 năm và dù có dịch cúm gia cầm hay không thì việc làm này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến bà con trong khu phố. Cứ 6 giờ sáng, tiếng loa phát âm thanh dụ chim yến đã gây ồn ào và cứ tiếp diễn suốt ngày. Và hễ rộ lên dịch cúm gia cầm thì những người hàng xóm càng thấy căng thẳng hơn.
 
Nhà chị Liên có nuôi yến tại đường 10, P. Phước Bình, quận 9
Nhà chị Liên có nuôi yến tại đường 10, P. Phước Bình, quận 9

Theo chị Liên, lối đi lên khu nuôi yến bịt kín thế này là an toàn rồi

Theo chị Liên, lối đi lên khu nuôi yến bịt kín thế này là an toàn rồi
 
Tuy nhiên, chị Quỳnh Liên lại rất bình tĩnh: “Tôi nuôi yến chủ yếu là cho vui chứ không biết có thu hoạch được hay không, cũng không rõ yến bay về khi nào. Nhưng tôi cho rằng nếu chim yến bị cúm gia cầm thì cũng không ảnh hưởng tới con người vì nó bay ở trên trời mà (!). Khi tôi xây nhà này thì có xin phép ở trên quận nhưng bấy giờ họ không có ý kiến gì về việc này, lúc đó người ta rủ nhau nuôi yến nhiều lắm”.
 
Ông Đoàn Văn Thọ, tổ trưởng tổ dân phố 1, khu phố 4 cho biết: “Hộ nhà chị Liên trước đây mở loa dụ chim yến gây ồn ào, chúng tôi đã góp ý nhiều lần thì gần đây họ đã giảm bớt. Gần đây có tin chim yến chết ở Ninh Thuận, tôi cũng theo dõi báo đài để xem có biện pháp nào với việc nuôi chim yến trong khu dân cư hay không mà chưa thấy”.
 
Khách hàng mua tổ yến cũng có người tỏ ra lo ngại. Anh Sanh cho biết: “Những khách hàng e ngại phần nhiều là khách hàng mới. Còn những khách quen của tôi, họ biết cách chế biến đảm bảo vệ sinh nên không có ý kiến gì”.
 
Theo chị Mai, chủ cửa hàng Yến sào Thiên Hoàng trên đường Nguyễn Kiệm (Q. Phú Nhuận), sức mua đã giảm từ trước tết: “Sức tiêu thụ các sản phẩm từ yến sào giảm, chỉ còn 40% so với năm ngoái, có lẽ do kinh tế khó khăn. Showroom của tôi ở gần bệnh viện nên vẫn còn bán được các loại nước yến, người ta mua cho bệnh nhân. Còn tổ yến rất ít người hỏi mua”. Bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty Yến sào Khánh Hòa cũng chưa ghi nhận có sự sút giảm sức tiêu thụ sau vụ chim yến chết ở Ninh Thuận.
 

Đề nghị tỉnh Ninh Thuận công bố dịch trên chim yến

 

Ngày 16/4, quan Thú y Vùng 6 đã công bố kết quả giám sát dịch bệnh chim yến và đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận công bố dịch trên đàn chim yến tại cơ sở nuôi yến Thanh Bình và hộ nuôi yến Nguyễn Mỹ Hải, phường Đạo Long, TP Phan Rang-Tháp Chàm.

 

Vì về mặt pháp lý từ 1 ổ dịch cúm đã có thể công bố dịch. Trong khi đó Ninh Thuận lại có hai ổ dịch. Như vậy, về mặt pháp lý là phải công bố dịch để đảm bảo mầm bệnh không lây lan, phát tán đến nơi khác.

 

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm cho biết các cơ quan ban ngành của tỉnh vẫn đang họp bàn và có hướng xử lý, còn việc có công bố dịch hay không vẫn đang chờ xin ý kiến của cấp trên.

 

Ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “ Nếu công bố dịch tại TP Phan Rang - Tháp Chàm thì ít nhất phải có 3 xã, phường xảy ra dịch bệnh. Việc công bố dịch bây giờ không chỉ gây ảnh hưởng đến tỉnh Ninh Thuận mà đối với cả chim yến của Việt Nam”.
 
Thảo Trần

Hồng Nhung