Chữa gout: Quan trọng là hiểu đúng bệnh!

Không ít bệnh nhân bức xúc vì đau hai gót chân từ nhiều năm, tìm thầy chạy thuốc khắp nơi nhưng bệnh cứ ít tuần lại tái phát, dù đã thử đủ loại thuốc đắt tiền.

 

Chữa gout: Quan trọng là hiểu đúng bệnh! - 1

Biểu hiện của gout trên bàn tay

Bệnh gout còn có tên là bệnh thống phong do đặc tính gây đau khớp bất chợt khó lường khiến nhiều người trở tay không kịp do tình trạng lạm dụng rượu bia, thuốc men...

 

Sạch túi vì cả tin

 

Nhiều bệnh nhân vẫn tưởng chỉ khi nào đau khớp ngón tay, ngón tay mới là bệnh gout. Trên thực tế, bệnh gout là hậu quả của việc kết tụ thuỷ tinh thể urate vì tăng acid uric trong máu. Thường thì bệnh gây ảnh hưởng trên khớp nhỏ, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở khớp lớn như khớp gối khiến thoái hóa khớp, hay thành gai cột sống, hoặc trong bắp thịt khiến mỏi cơ, dưới da sinh dị ứng, trên đường tiết niệu thành sỏi...Do đó, việc tầm soát bệnh gout bằng cách đo acid uric trong máu là điều nên làm ngay cả khi chưa đau đâu đó.

 

Tuy nhiên, do ở xứ mình không có biện pháp chế tài của y sĩ đoàn nên trong thời gian gần đây có nhiều quảng cáo về việc điều trị bệnh gout bằng Đông y nhưng với điều kiện là bệnh nhân phải theo đuổi liệu pháp rất tốn kém và kéo dài nhiều tháng tùy bệnh nặng nhẹ.

 

Biết là có bệnh phải vái tứ phương nhưng người bệnh cần phân biệt giữa mục tiêu hạ và ổn định acid uric trong máu với việc điều trị khớp đã viêm tấy vì bệnh gout. Nếu bệnh gout là hậu quả của rối loạn biến dưỡng chất đạm thì bệnh cho dù đã ổn định vẫn có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận tiện như chế độ dinh dưỡng sai lầm, nếp sinh hoạt lao tâm lao lực, lạm dụng thực phẩm, ngộ độc hóa chất... Hứa ẩu trên quảng cáo theo kiểu bệnh không bao giờ tái phát chỉ là hứa lèo! Để hạ acid uric trong máu, với Đông hay Tây y cũng thế, nếu được áp dụng đúng bài bản, không cần kéo dài thời gian chữa trị...

 

Đau hoài vì dùng thuốc

 

Không ít bệnh nhân bức xúc vì đau hai gót chân từ nhiều năm, tìm thầy chạy thuốc khắp nơi nhưng bệnh cứ ít tuần lại tái phát, dù đã thử đủ loại thuốc đắt tiền. Cần nói ngay cho rõ là không hẳn hễ đau gót chân lúc nào cũng do bệnh gout. Riêng trong bệnh gout, đau gót chân sở dĩ khó điều trị vì đây là vùng vừa ít mạch máu nên thuốc khó tác dụng, vừa là điểm phải chịu đựng sức nặng của cơ thể nên khó lành. Bệnh nhân nên được điều trị kết hợp với Đông y dưới hình thức xoa bóp, ngâm thuốc, châm cứu... thay vì chỉ tập trung vào thuốc hóa chất.

 

Không ít bệnh nhân sau khi phát hiện lượng acid uric qúa cao trong máu, người bệnh kiêng cữ hết thịt cá, cũng không uống một giọt bia, nhưng mới được 2 ngày thì lãnh ngay cơn đau tá hỏa đến độ phải vào bệnh viện cấp cứu! Đáng tiếc vì giảm nguồn đạm động vật khi bị bệnh gout là đúng, nhưng cắt đứt nguồn đó ngay tức khắc lại là một sai lầm vì cơ thể khi đứng trước tình trạng bất ngờ thiếu đạm sẽ phản ứng sai lệch bằng cách huy động chất đạm dự trữ trong bắp thịt. Acid uric khi đó sẽ bội tăng trong máu gây cơn đau hơn dao cắt. Chế độ kiêng cữ chất đạm trong bệnh gout vì thế cần được tiến hành thong thả.

Mẹo dinh dưỡng

 

Không quá khó để giảm liều lượng thuốc và thu ngắn liệu trình nếu bệnh nhân thủ sẵn vài "mánh" về dinh dưỡng nhằm cầm chân lượng acid uric trong định mức không gây được bệnh. Thí dụ: Uống tối thiểu 2,5 lít nước trong một ngày. Uống đều. Đừng đợi đến khát mới uống. Tăng món ăn hạ acid uric sau bữa tiệc nhiều thịt cá, chẳng hạn với khoai tây, dưa leo, củ hành, rau má, thanh long. Áp dụng dược thảo hạ acid uric như trà atiso, râu bắp... và đừng nín tiểu khi mắc tiểu.

 

Theo BS Lương Lễ Hoàng

Nông thôn