Chú ý vệ sinh sau khi bơi

(Dân trí) - Trong những ngày hè oi ả, bơi lội trở thành môn thể thao hấp dẫn. Nó không chỉ giúp bạn “tránh nóng” hiệu quả mà còn là môn thể thao rất tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi bơi, bạn nên chú ý vệ sinh những vùng sau:

Chú ý vệ sinh sau khi bơi - 1

Ảnh minh họa
1. Vệ sinh mắt

 

Bệnh đau mắt rất dễ lây lan thậm chí có thể bùng phát thành dịch nếu nguồn nước trong bể không được đảm bảo. Hơn nữa, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm luôn là thời kỳ cao điểm của dịch đau mắt đỏ. Vì vậy, để đề phòng các bệnh về mắt, bạn nên tra thuốc rửa mắt sau mỗi lần bơi.

 

Ngoài ra, để đảm bảo các vi khuẩn trong nước không thể xâm nhập vào mắt, bạn nên sử dụng kính bơi mỗi khi xuống nước. Kính bơi phải áp chặt vào khuôn mặt, không có khe hở để nước không thể xâm nhập vào trong. Tránh dùng tay tháo lắp và lau kính nhiều lần, vi khuẩn từ tay bạn sẽ dễ dàng xâm nhập vào mắt kính.

 

Khi phát hiện thấy các biểu hiện bất thường về mắt, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế ngay.

 

2. Vệ sinh tai

 

Trong khi bơi, thật khó để tránh nước không lọt vào tai. Vì vậy, ngay khi lên bờ, hãy nghiêng đầu sang hai bên để nước từ trong tai chảy ra ngoài, sau đó dùng khăn sạch lau lại, giúp lấy đi những vết bẩn còn sót lại trên tai.

 

Đối với những bệnh nhân viêm tai, ngoài việc dốc hết nước ra khỏi tai, bạn nên tra thuốc ngay khi lên bờ. Nếu để lâu, vì các vi khuẩn tích lại trong tai, sẽ gây cho bạn những tiếng “ù ù” khó chịu. Nếu không có thuốc nhỏ tai chuyên dụng, bạn có thể dùng tạm thuốc tra mắt để thay thế.

 

3. Vệ sinh “vùng kín”

 

Nước bể bơi có rất nhiều hóa chất và là chốn đông người nên rất dễ trở thành nguồn lây nhiễm các bệnh phụ khoa. Ngâm mình lâu trong nước sẽ khiến các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vùng âm đạo, gây nên các bệnh viêm loét âm đạo. Sau khi bơi, nếu bạn thấy có dấu hiệu ngứa ở “vùng kín” nên đi khám ngay, tránh dùng tay gãi, có thể gây trầy xước, viêm loét.

 

Một điều cần chú ý nữa là, các bạn nữ nên đi tiểu tiện ngay khi vừa bơi xong, nó sẽ giúp các vi khuẩn ra khỏi “vùng kín” theo đường nước tiểu.

 

Các nhà khoa học cũng khuyên bạn không nên tùy tiện ngồi xuống thành bể bơi, vì thành bể bơi là một trong những nơi “bẩn” nhất, tập trung nhiều vi khuẩn nhất. Việc tùy ý ngồi xuống thành bể bơi sẽ khiến nguy cơ bạn bị mắc các bệnh về đường phụ khoa cao hơn.

 

Các bạn nữ đặc biệt chú ý không nên đi bơi vào những ngày có hành kinh vì lúc này khả năng tự bảo vệ của “vùng kín” là kém nhất.

 

4. Vệ sinh miệng

 

Nếu chẳng may bạn bị “uống nước” trong khi bơi, hãy đánh răng bằng nước sạch ngay sau khi lên bờ. Vì những hóa chất trong nước bơi, nếu bám lâu trong miệng có thể hủy hoại men răng.

 

Các bạn cũng không nên súc miệng bằng nước bể bơi, nó có thể khiến miệng bạn có “mùi hôi khó chịu”.

 

5. Vệ sinh da

 

Nhiều người cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu sau khi bơi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên là do nước bể bơi chưa được làm sạch đúng quy chuẩn. Hơn nữa, nhiều người bơi chung trong cùng một bể bơi là môi trường “thuận lợi” để các vi khuẩn gây bệnh nấm da lan truyền từ người này sang người khác. Nguyên nhân thứ hai là vì khi ở dưới nước lâu, các lỗ chân lông của bạn sẽ bị dãn ra, nên các vi khuẩn càng dễ dàng xâm nhập vào bên trong.

 

Để phòng tránh các bệnh về da liễu, bạn nên vệ sinh da sạch sẽ sau khi bơi, bằng cách tắm lại bằng xà phòng hoặc sữa tắm có độ kiềm cao.

 

Hải Yến

Theo qianlong