Chủ quan khi đau khớp: Bệnh nhẹ thành nặng

Bỏ qua, tự dùng thuốc giảm đau, kháng viêm 1 thời gian dài không hiệu quả, nhiều bệnh nhân tìm đến giải pháp điều trị y học cổ truyền. Tuy nhiên, kết quả không khả quan do họ vẫn tiếp tục nghiện… máy tính, điện thoại di động.

Bệnh như “du kích”

Bệnh như “du kích”

Anh Lê Nam (42 tuổi, kỹ sư tin học), đã dùng nhiều đơn thuốc, từng tiêm 3 mũi Corticoid trực tiếp vào khớp gối, nhưng các đợt điều trị này chỉ cắt được cơn đau trong khoảng 2-3 tuần, sau đó bệnh tái phát.

Thực tế, anh Nam đã thấy đau nhức ngón chân từ cách đó 2 năm. Khi anh chuyển sang đi dép thì hết đau. Nhưng vài tháng sau, bàn chân, cổ chân xuất hiện cảm giác đau và cuối cùng là dầu gối. Lúc này, cùng với cảm giác đau, khớp ở các khu vực này sưng tấy, tê bại khi thức giấc; đau tăng dần khiến anh mất ăn mất ngủ, anh phải mua thuốc giảm đau về dùng hàng ngày. Rồi cuối cùng, đau đến mức phải đi viện.

Không coi nhẹ bệnh như anh Nam, chị Hoài An (biên tập viên 1 tờ báo, 50 tuổi) lại nghĩ mình bị đau lưng thông thường do các cơn đau xuất hiện ở vùng thắt lưng. Chị chỉ tìm đến bác sĩ khi những viên thuốc tự điều trị hàng ngày không giúp giảm cơn đau ở vùng thắt lưng được nữa.

Cơn đau khớp ở cổ tay, vai gáy… cũng đang hành hạ nhiều sinh viên đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” khi họ say sưa với máy tính, điện thoại di động.

Theo PGS. TS Lê Lương Đống - Nguyên Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, PGĐ thường trực bệnh viện Tuệ Tĩnh, có tới 150 loại bệnh khớp khác nhau và biểu hiện ban đầu của bệnh có thể nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm mạo, sốt xuất huyết. Do đó, nhiều bệnh nhân chỉ đến viện khi đã đau kéo dài, có thể bị viêm cấp sưng, nóng, đỏ, đau.

Nếu bị tái diễn nhiều đợt, xương khớp thoái hóa nhanh hơn nặng hơn. Thường gặp là thoái hoá các khớp: gối, cột sống cổ, thắt lưng, đau từ cổ vai, tê xuống tay gọi là hội chứng “cổ vai tay”, đau lưng kèm đau lan xuống chân theo đường đi của dây thần kinh tọa, đi lại khó khăn… làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, lao động và chất lượng cuộc sống.

Phòng bệnh từ tuổi 30

Theo PGS. TS Lê Lương Đống, sẽ là chưa chính xác nếu cho rằng bệnh viêm khớp dễ xuất hiện ở giới công chức - văn phòng. Trên thực tế, viêm khớp không giới hạn tuổi; bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, có thể xảy ra ở những người còn trẻ, và rất dễ xảy ra với người mê công nghệ, làm việc trong môi trường lạnh của máy điều hòa, tư thế ngồi không phù hợp sinh lý của hệ xương khớp trước máy tính hoặc với điện thoại, cùng với thói quen ít vận động khiến các khớp kém linh hoạt, thoái hóa, tích lũy tổn thương, xuất hiện đau tăng dần theo thời gian.

Do đó, để phòng ngừa thoái hóa khớp mỗi người hãy duy trì thói quen tập luyện kết hợp với chế độ dinh dưỡng đa dạng khi bước qua tuổi 30, lúc hệ xương khớp bắt đầu lão hóa. Các chất dinh dưỡng như ngũ cốc, hải sản, sữa... đều rất tốt cho xương khớp. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ như ngồi lâu, ít vận động, mê mải với máy tính, điện thoại….

Ngọc Mai