Chủ quan, bệnh nhi suy lục phủ ngũ tạng vì sốt xuất huyết

(Dân trí) - Dù đã được bác sĩ khám chấn đoán mắc sốt xuất huyết đề nghị nhập viện điều trị, nhưng gia đình chủ quan không nghe theo chỉ định. Một ngày sau, bệnh nhi bị sốt xuất huyết, suy đa cơ quan, rơi vào nguy kịch.

Thông tin từ BV Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi mắc sốt xuất huyết rất nặng, gây suy đa cơ quan. Theo TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh nhi là bé P.T.T. (11 tuổi, ngụ quận Bình Tân) được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, mạch và huyết áp không đo được.

Bệnh nhi bị suy đa cơ quan, nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết nhưng gia đình chủ quan
Bệnh nhi bị suy đa cơ quan, nguy kịch vì mắc sốt xuất huyết nhưng gia đình chủ quan

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước nhập viện 4 ngày, bệnh nhi bị sốt cao liên tục. Đến ngày thứ 3, thấy bé đi tiêu phân đen, gia đình đưa đến một phòng khám tư nhân trên địa bàn quận thăm khám. Tại đây, qua thăm khám lâm sàng bác sĩ chẩn đoán bé mắc sốt xuất huyết và tư vấn người thân nên cho cháu nhập viện điều trị.

Tuy nhiên, sau khi khám bác sĩ trở về bệnh nhi giảm sốt nên gia đình chủ quan vì nghĩ bệnh đã thuyên giảm, song đến ngày hôm sau, bệnh đột ngột trở nặng, bé mê man, gọi hỏi không đáp ứng, tình trạng khó thở ngày càng nặng. Lúc này người nhà mới vội vã đưa bệnh nhi đi cấp cứu.

Theo TS.BS Phạm Văn Quang, bé có các dấu hiệu đặc trưng của trẻ mắc sốt xuất huyết: sốt cao liên tục, đi tiêu phân đen, chảy máu chân răng,... Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm cho thấy, bé bị sốc sốt xuất huyết nặng, dẫn đến tình trạng tổn thương gan, suy thận, suy hô hấp, rối loạn đông máu.

Sốt xuất huyết thường vào sốc ở ngày thứ 4 hoặc thứ 5 của bệnh, những người chưa có kinh nghiệm nếu thấy biểu hiện sốt giảm trong thời gian này thường lầm tưởng là bệnh thuyên giảm nhưng thực ra bệnh đang chuyển sang giai đoạn vào sốc rất nguy hiểm.

Trước tình trạng rất nguy cấp bệnh nhi phải đối mặt, bác sĩ đã tích cực điều trị, chống sốc, đặt nội khí quản thở máy. Bên cạnh đó bệnh nhi phải truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu để giải quyết tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày điều trị, cơ thể không đáp ứng, bệnh ngày càng diễn tiến xấu, bé rơi vào suy đa cơ quan, suy gan, suy thận cấp, hôn mê, buộc phải lọc máu liên tục. Ngày 6/10, sau hơn 3 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi dần cải thiện, hiện bé đã cai máy thở nhưng chức năng thận vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Trên thực tế, thời gian gần đây nhiều bệnh nhân nhập viện với tình trạng nặng, vào sốc, biến chứng nên rất nguy hiểm đến tính mạng, việc điều trị vô cùng khó khăn. Trong trường hợp gia đình có người bị sốt, thân nhân cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm của sốt xuất huyết. Riêng ở trẻ em, khi mắc bệnh các bé thường sốt cao trên 2 ngày, quấy khóc, bứt rứt, lăn trở, khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… người thân cần đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy là giải pháp tích cực phòng bệnh
Vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy là giải pháp tích cực phòng bệnh

TPHCM nói riêng và các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam hiện đang đi sâu vào mùa mưa, đây là điều kiện lý tưởng cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, TPHCM cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 9, toàn thành phố có 15.671 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016). Trung bình trong tháng 9, mỗi tuần có khoảng 450 ca mắc sốt xuất huyết.

Để chủ động phòng bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng cần chủ động các giải pháp vệ sinh môi trường sống không để các vật dụng, đồ phế thải chứa nước mưa trong khuôn viên sống, vườn nhà. Tăng cường các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, sử dụng hóa chất diệt muỗi, thường xuyên ngủ mùng, hạn chế nguy cơ bị muỗi chích, hợp tác với ngành y tế khi phun hóa chất diệt muỗi...

Vân Sơn