Chóng mặt với Viêm gan siêu vi C

Viêm gan siêu vi C (HCV) đang trở thành mối quan tâm của xã hội khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết đến tháng 3/2011 đã có hơn 170 triệu người trên toàn cầu, chiếm 3% dân số mắc căn bệnh được coi là “kẻ giết người thầm lặng” này.

Trong khi kẻ thù giấu mặt viêm gan siêu vi B làm hơn 350 triệu người trên thế giới mắc bệnh đứng thứ hai, thì viêm gan siêu vi C được ví như “kẻ giết người thầm lặng” đã khiến hơn 170 triệu người mắc bệnh giai đoạn mạn tính và gần 4% trong số này tử vong mỗi năm. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo con số không chỉ dừng lại ở đây khi lượng bệnh nhân mắc bệnh ngày càng tăng lên, nhưng việc điều trị gần như vẫn còn bỏ ngỏ.

Chóng mặt với Viêm gan siêu vi C - 1

Báo động

Viêm gan siêu vi C (HCV) đang trở thành mối quan tâm của xã hội khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết đến tháng 3/2011 đã có hơn 170 triệu người trên toàn cầu, chiếm 3% dân số mắc căn bệnh được coi là “kẻ giết người thầm lặng” này và 3-4 triệu người mới nhiễm bệnh mỗi năm. Trong đó hơn 4 triệu người ở Mỹ bị viêm gan siêu vi C mạn tính. Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, tình trạng viêm gan siêu vi C cũng đang báo động khi tính đến nay đã có 2 triệu người đang mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm gần 4%. Nguy hiểm hơn khi có 85% trường hợp nhiễm HCV sẽ diễn tiến thành viêm gan siêu vi C mạn tính trong khoảng 10-20 năm.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Gan Trung tâm y khoa Medic TPHCM, một trong những người đi sâu tìm hiểu về thực trạng căn bệnh này cho biết, ở Việt Nam nguy cơ gia tăng viêm gan siêu vi C không chỉ ở thời gian quá khứ mà nguy cơ bị viêm gan siêu vi C hiện tại vẫn tiếp tục tăng lên.
 
Nghiên cứu của phòng khám viêm gan thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, đối với tất cả bệnh nhân viêm gan siêu vi C điều trị nội và ngoại trú tại đây, bác sĩ Bành Vũ Điền, Trưởng đơn vị viêm gan của bệnh viện cảnh báo tỷ lệ ung thư gan do viêm gan siêu vi C cao hơn và nhanh hơn so với viêm gan siêu vi B. Y học hiện mới chỉ có thuốc chích ngừa viêm gan siêu vi B mà chưa có thuốc ngừa viêm gan siêu vi C. Năm 2005 phòng khám khoa Viêm gan đã tiếp nhận gần 1.800 bệnh nhân mắc viêm gan sieu vi C đến khám, chiếm 20% so với tổng số các bệnh nhân đến khám vì các bệnh viêm gan và hơn 350 bệnh nhân trong số này phải nhập viện điều trị do các tổn thương gan trầm trọng và vĩnh viễn do viêm gan siêu vi C gây ra. Tuy nhiên trong năm 2010 số ca tăng lên chóng mặt với hơn 3.000 người được phát hiện mắc viêm gan siêu vi C đến khám và gần 1000 bệnh nhân phải điều trị do các tổn thương.

Hiểm nguy chực chờ

“Viêm gan siêu vi C là bệnh rất dễ lây nhiễm”, BS Bành Vũ Điền khẳng định và theo ông: “Nhiều người bệnh vẫn còn mù mờ về căn bệnh cũng như cách phòng ngừa viêm gan siêu vi C. Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, càng nhiều người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp. Người dân đến các thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là xâm môi,mắt ở những nơi không bảo đảm kỹ thuật vô trùng, cũng rất dễ lây nhiễm viêm gan siêu vi C”.
 
Trong khi bác sĩ Nguyễn Đại Biên- Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhân dân 115 cho biết hiện có khoảng 20% dân số Việt Nam phơi nhiễm siêu vi C, trong đó ước tính 85% các trường hợp viêm gan siêu vi C phát triển thành mạn tính. Theo bác sĩ Biên, mối lo hiện hữu đặc biệt với bệnh nhân chạy thận lâu dài cũng cần phải làm những xét nghiệm để tầm soát viêm gan siêu vi C. “Theo nguyên tắc, mỗi bệnh nhân chạy thận phải thay một màng lọc mới. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nhiều cơ sở phải dùng lại màng lọc. Tuy có thể sử dụng kỹ thuật thanh vô trùng màng lọc, với thời gian chạy thận thường kéo dài đến suốt đời nên nguy cơ lây nhiễm virus C là khó tránh khỏi do chạy thận có điều kiện tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với máu”, ông nói.
 
Nguy hiểm hơn, theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM , viêm gan siêu vi C là một bệnh dịch thầm lặng bởi vì phần lớn những người bị viêm gan siêu vi C không có triệu chứng gì. Do vậy những người này không biết điều gì đang xảy ra cho họ trong suốt một thời gian dài . Khoảng 25% bệnh nhân HCV có men gan bình thường trong nhiều năm và họ được gọi là “người mang siêu vi C mạn tính không triệu chứng”. Số bệnh nhân còn lại có viêm gan mạn tính tiến triển chậm, men gan có lúc tăng, lúc giảm về bình thường. Do vậy, bệnh nhân thường chủ quan không chịu theo dõi bệnh thường xuyên. Sau 10 - 20 năm, ít nhất có 20% số bệnh nhân HCV mạn tính tiến triển sang xơ gan rồi thành ung thư gan.
 
 Nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi C tại Việt Nam, bác sĩ Thu Thủy dẫn chứng: “Tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi C mạn tính càng tăng nếu thời gian nhiễm càng lâu, nếu nhiễm hơn 60 năm, xơ gan 71%. Sau khi bị xơ gan do viêm gan siêu vi C tỉ lệ đưa đến ung thư gan 1,4-3,3% mỗi năm và tử vong 2,6-4% mỗi năm”.

Viêm gan siêu vi C đang ngày càng trở thành gánh nặng cho xã hội khi bệnh nhân được chẩn đoán không tỷ lệ thuận với bệnh nhân được điều trị và tỷ lệ bệnh nhân mắc nhiễm viêm gan siêu vi C không ngừng tăng cao.

Gia Phú