Chọn đồ chơi thân thiện

Theo BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, khi chọn lựa đồ chơi cho trẻ em, phụ huynh cần cân nhắc đến nhiều tiêu chí: chất liệu an toàn, không sơn, dán bằng các hóa chất độc hại và có chứng nhận cụ thể về chất lượng...

  

Chọn đồ chơi thân thiện  - 1

Đồ chơi tốt là đồ chơi an toàn và có độ khó nhất định để bố mẹ hướng dấn, tham gia chơi cùng trẻ

Gia đình rất quan trọng

 

Xét cho cùng, đồ chơi mà trẻ tiếp xúc có an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào phụ huynh. Anh N.V.H, nhà ở quận Tân Bình, cho biết: “Con trai tôi có món đồ chơi là con quay bằng nhựa. Khi cháu chơi, con quay văng vào mặt tôi gây nên một vết rách sâu”. Anh chỉ vết sẹo ở đuôi chân mày phải và kể tiếp: “Lúc đó, tôi mới phát hiện con quay này được gắn những lưỡi kim loại rất bén xung quanh”. Thế nhưng, khi nói về các bánh răng sắc bén này, con trai anh H. vô tư: “Vậy mới chiến, mới chém con quay của bạn được”.

 

Theo ông Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non 11 (Q3, TPHCM), thầy cô chỉ có thể quản lý trẻ trong thời gian ở trường. Đa phần thời gian của trẻ là ở bên gia đình nên việc tạo một môi trường an toàn cho trẻ ở gia đình là rất quan trọng.

 

Ông Bình cho biết việc phụ huynh dành thời gian chơi cùng con, làm đồ chơi cho con... bao giờ cũng là phương án tối ưu. “Khi ấy, không những trẻ có được một môi trường vui chơi thân thiện mà sự gần gũi với cha mẹ sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình thương, bảo đảm quá trình hình thành nhân cách”, ông Bình nói.

 

Chọn đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng

 

Theo BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khi trẻ mắc dị vật đường thở, cần nhanh chóng sơ cứu và đưa trẻ đến trung tâm y tế. Phương pháp sơ cứu là nắm hai chân dốc ngược trẻ xuống, vỗ mạnh vào giữa hai xương bả vai để tống dị vật ra ngoài...

 

Tại Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động TPHCM, nhiều loại đồ chơi phát triển trí tuệ đã được các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu tìm mua ngoài thị trường để hỗ trợ cho việc phục hồi ở trẻ bại não, thương tật...

 

Kỹ thuật viên Trần Thị Quyên chỉ cho chúng tôi xem những dãy tủ chất đầy đồ chơi mà chị và các đồng nghiệp đã dày công lựa chọn, tích lũy nhiều năm qua và cho biết: “Các loại đồ chơi mà chúng tôi lựa chọn trước hết phải an toàn cho trẻ nhỏ, sau đó là đáp ứng được mục tiêu trị liệu”.

 

Các kỹ thuật viên nơi đây luôn lựa chọn những loại đồ chơi gỗ, đồ chơi nhựa có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đa phần là hàng có chứng nhận về chất lượng của các công ty trong nước.

 

Theo 1 chuyên gia về đồ chơi, một sản phẩm đồ chơi an toàn phải đạt được ba tiêu chí: phôi liệu, cơ lý và hóa lý. Sản phẩm phải làm bằng chất liệu tốt; nước sơn, keo dán, phụ gia là loại không chì; có hướng dẫn sử dụng cụ thể và ghi rõ dùng cho lứa tuổi nào....

 

Tự làm đồ chơi cho trẻ

 

Đồ chơi an toàn thường có giá thành cao vì chi phí cho các nguyên vật liệu, hóa chất an toàn thường rất cao. Điều này gây khó khăn cho một số phụ huynh có thu nhập thấp và là vấn đề đau đầu của các trường mẫu giáo, nhà trẻ khi kinh phí trang bị đồ chơi theo quy định hiện nay khá hạn hẹp (50.000 đồng/trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ và 100.000 đồng/trẻ ở bậc mẫu giáo).

 

Một số trường mẫu giáo, nhà trẻ đã vượt qua khó khăn này bằng cách tự làm đồ chơi cho các em. “Đã là giáo viên mầm non thì phải biết làm đồ chơi. Khi thấy các em chơi và thích thú món đồ mình làm ra thì thật hạnh phúc”, ông Lương Trọng Bình cho biết.

 

Theo Anh Thư

Người lao động