Chất lượng dân số Việt Nam vẫn ở mức thấp

(Dân trí) - Năm 2008, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam chỉ đạt 0,733 điểm, xếp thứ 105/177 quốc gia. Tỉ lệ này rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Thông tin trên được ông Dương Quốc Trọng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết tại hội thảo về dân số sáng nay (20/8) tại Hà Nội.
 
Chất lượng dân số Việt Nam vẫn ở mức thấp - 1
Vẫn có nhiều em bé sinh ra bị các dị tật bẩm sinh
 

Chất lượng dân số về thể chất của người Việt Nam rất thấp. Có 1,5% dân số Việt Nam bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ. Trong đó, số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5-3% và có xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, chưa được phát hiện và điều trị sớm. Số lượng người bị tàn tật, khuyết tật trong cả nước rất lớn, khoảng 5,3 triệu người (chiếm 6,3% dân số)… Trong khi đó, hàng năm vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng gia tăng số người mới bị tàn tật, khuyết tật do tai nạn giao thông, lao động…

Ngoài ra, tầm vóc, thể lực cân nặng, sức bền của người Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Thanh niên Việt Nam không chỉ thấp, bé, nhẹ cân mà còn yếu về sức mạnh cơ bắp, sức dẻo dai và sức bền.

Đặc biệt, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh của Việt Nam chỉ đạt 60,2 tuổi, xếp thứ 116/174 nước trên thế giới. Như vậy, trung bình, mỗi người dân có tới 12 năm ốm đau so với 72,2 tuổi thọ bình quân.

Chính vì vậy, nâng cao chất lượng dân số được coi là mục tiêu số 1 của ngành dân số thời gian tới. Theo đó, mục tiêu cải thiện giống nòi, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh xuống còn dưới 1,5% vào năm 2020; giảm tỷ lệ số người mới bị tàn tật, tai nạn hàng ngày… Phấn đấu tăng tuổi thọ bình quân lên 75 tuổi vào năm 2020; giảm tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống mức 0,001; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống mức 10% vào năm 2020...  Để thực hiện, ngành dân số sẽ triển khai nhiều dự án: Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa các tai nạn mới mắc…

Cũng tại hội nghị, các nhà nhân khẩu học đã nhận định, năm 2020 sẽ là một năm bùng nổ dân số của Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất là số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng lên. Năm 2000 chỉ có 21,5 triệu phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, dự báo sẽ tăng lên 25,9 triệu người vào năm 2010 và đạt mức cực đại là 26,9 triệu người vào năm 2020. Số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ lớn gấp 2 lần số phụ nữ ra khỏi tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, trong 10 năm tới, đoàn hệ phụ nữ sinh ra trong những năm 1975-1995 có quy mô đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam (khoảng 90 vạn người cho mỗi độ tuổi)), nên nhóm phụ nữ 20-34 tuổi (giai đoạn dễ sinh nở nhất trong cuộc đời) đạt mức cực đại là 12,3 triệu người.

 
Hồng Hải