Chất độc từ bếp mà ra

Nhà bếp có thể chứa các tác nhân gây ngộ độc. Nguyên nhân chính là do các độc tố có sẵn trong thực phẩm, cùng với cách bảo quản, chế biến không hợp lý.

Những loại thực phẩm có độc

 

Loại thứ nhất là do các tác nhân làm thực phẩm trở nên độc như dưa muối, một số loại rau cải, rau cải xanh, rau hẹ... có chứa rất nhiều chất muối acid nitrite và nitrite vi lượng. Các loại rau này nấu chín mà để quá lâu hoặc muối trong thời gian quá ngắn (chưa đủ chín rau) thì chất muối acid nitrite dưới tác dụng của vi khuẩn vẫn là nitrite nguyên chất, sẽ gây ngộ độc làm nhão cơ hàm, trơn huyết mạch dẫn đến tụt huyết áp.

 

Theo tài liệu của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, một số thực phẩm gây ngộ độc là do có chứa chất độc tố, bị biến chất, và nhiễm các chất hóa học. Đây là nguyên nhân gây nên nhiều vụ ngộ độc tập thể - như thực phẩm giàu protein (thịt, cá), thực phẩm chế biến với dầu mỡ (như các món thịt, cá xào, rán...) rất dễ gây ngộ độc do sự biến chất của các acid amin, quá trình thủy phân và ôxy hóa chất béo tạo nên chất gây độc cho cơ thể.

 

Khi bị nhiễm độc loại thực phẩm này, chỉ 15 phút đến ba giờ sau khi ăn sẽ bị đau bụng, buồn nôn, ngứa cổ họng, đau đầu, choáng váng, nổi mề đay có thể dẫn đến co giật...

 

Loại thứ 2 là bản thân thực phẩm có chất độc như thịt cóc, cá nóc, nhuyễn thể biển, nấm, khoai tây mọc mầm, sắn...

 

Bệnh nhân bị ngộ độc phát bệnh sau khi ăn từ nửa giờ đến ba giờ, có người nhanh thì chỉ 10 - 15 phút với triệu chứng chóng mặt, váng đầu, mệt mỏi, buồn bực, ợ chua, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, móng tay và da toàn thân thâm tím, thậm chí suy hô hấp, hôn mê nếu ngộ độc nặng.

 

Nếu ngộ độc nặng phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được rửa ruột, tiếp nước và điều trị kịp thời. Nếu nhẹ chỉ cần gây nôn thức ăn ra rồi uống nhiều nước sẽ có thể trở lại bình thường.

 

Ngăn ngừa sự ô nhiễm

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng): "Vi khuẩn từ thực phẩm sống có thể truyền sang, lưu lại ở thực phẩm chín qua dụng cụ làm bếp, gây độc tố cho thực phẩm". Do đó:

 

- Vvới thịt heo, bò, gia cầm và cá cần luôn để riêng đồ sống và đồ đã chế biến.

 

- Khi cất giữ thực phẩm luôn để thực phẩm sống bên dưới, thực phẩm chín ở trên, tránh để nước từ thực phẩm sống chảy vào thực phẩm chín.

 

- Trong bếp các dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm sống sau khi dùng xong phải dùng nước tẩy rửa sạch sẽ mới dùng với thực phẩm khác.

 

- Dao, thớt cần có hai loại dùng riêng cho thực phẩm sống, chín. Thớt nhựa phải chà rửa mới sạch được các kẽ nhỏ trên mặt và phải tẩy trắng sau một thời gian nhất định. Thớt gỗ rửa sạch phải treo cho khô.

 

- Hộp đựng thực phẩm nên có loại cho thực phẩm sống, chín riêng. Không để cho vật nuôi trong nhà đi lại hay ngồi trên bàn để thực phẩm, bàn ăn.

 

Theo Gia đình và Xã hội