Chàng trai kiên quyết “đòi” bác sĩ để hiến tặng 2/3 lá gan cho mẹ đẻ

(Dân trí) - “Khi tôi bị ốm nặng, con trai rất thương mẹ. Dù chưa có chỉ định ghép gan, con đã luôn động viên tôi mẹ yên tâm, nếu mẹ phải ghép gan, con sẽ tặng gan cho mẹ. Nhất định, cả hai mẹ con sẽ đều khỏe mạnh”.

Cậu bé 12 tuổi đã đòi hiến thận cứu bố

Bà Phạm Vân Thanh (56 tuổi, Hà Nội) chia sẻ sau 4 tháng, 8 ngày bà được ghép gan, cứu chữa khỏi căn bệnh xơ gan mật giai đoạn cuối, cuộc sống tính bằng ngày.

Bà Thanh cho biết, đến hôm nay (ngày 16/3), bà thấy sức khỏe ổn định, da dẻ hồng hào, ăn uống tốt, lên cân.

Cách đó hơn 4 tháng, khi nằm điều trị tại BV Trung ương Quân đội 108 với bệnh lý xơ gan mật, bà Thanh bị suy gan rất nặng.

“Ở thời điểm nhập viện, bệnh nhân ốm yếu, xơ gan, suy gan nặng, da, mắt đều vàng ươm. Với diễn tiến như vậy, nếu không ghép gan thời gian sống chỉ tính ngày, tính tháng. Chúng tôi đã rất cảm động tấm lòng của cậu con trai trẻ luôn lo lắng, chăm sóc cho mẹ, luôn mong muốn mẹ được điều trị khỏi bệnh”, Thiếu tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108 cho biết.

Khi biết mẹ cần chỉ định ghép gan, chàng trai 26 tuổi Nguyễn Trung Quân đã gặp các bác sĩ, kiên quyết mong được hiến gan cứu mẹ.

Hai mẹ con, người được nhận gan, người hiến gan đều rất khỏe khoắn sau hơn 4 tháng phẫu thuật. Ảnh: H.Hải
Hai mẹ con, người được nhận gan, người hiến gan đều rất khỏe khoắn sau hơn 4 tháng phẫu thuật. Ảnh: H.Hải

“Khi tôi bị ốm nặng, rất thương mẹ. Từ lúc bác sĩ chưa có chỉ định ghép gan, cháu đã luôn động viên tôi là sẽ chữa khỏi bệnh cho mẹ. Nếu phải ghép gan, con sẽ tặng gan cho mẹ. Mặc tôi lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con, vì con còn trẻ, nhỡ cuộc ghép không thành thì hai mẹ con đều khổ, nhưng cháu kiên quyết kể cả thành công hay không con cũng hiến gan cho mẹ, bất di bất dịch không cho ai nói lại.

Thế rồi khi bác sĩ chỉ định ghép, nhiều người thân, anh chị em tôi lên kiểm tra sức khỏe để hiến nhưng cháu nhất định không đồng ý, rồi chủ động đi gặp bác sĩ, phải ưu tiên con trai là số 1 vì gan khỏe, tốt cho mẹ”, bà Thanh xúc động chia sẻ.

Bà Thanh chia sẻ, con trai là người sống rất tình cảm, luôn chăm sóc, động viên bố mẹ. Ảnh: T.Hải
Bà Thanh chia sẻ, con trai là người sống rất tình cảm, luôn chăm sóc, động viên bố mẹ. Ảnh: T.Hải

Bà Thanh chia sẻ thêm, con trai mình là một người sống rất tình cảm. Từ khi lên 12 tuổi, thấy bố bị suy thận phải chạy thận thường xuyên, cậu bé đã mong muốn được hiến thận cho bố. “Lần ấy, nghe con trai nói vậy, chồng tôi đã rơi nước mắt, xoa đầu cảm ơn con, nhưng con còn nhỏ nên không thể lấy tạng của con”, bà Thanh nói.

Sau khi kiểm tra chỉ số hòa hợp, các bác sĩ đã quyết định ca ghép gan. Chàng trai 26 tuổi đã đồng ý tặng mẹ toàn bộ lá gan phải (lá gan phải chiếm 2/3 trọng lượng cả bộ gan) để ghép cho mẹ.

“Sau ghép hơn 4 tháng, sức khỏe mẹ tốt, con tốt. Mẹ tôi đã ăn tốt hơn, lên cân (trước đó bà chỉ 34kg, nay đã 38 – 40kg), tình trạng tụt huyết áp không còn, ăn uống tốt hơn, da dẻ hồng hơn. Còn tôi, dù cho mẹ gan nhưng thấy không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tôi đã trở lại tập gym, chơi thể thao, bơi lội và có sức khỏe rất ổn định như người bình thường dù chỉ còn một lá gan trái”, anh Nguyễn Trung Quân chia sẻ.

Bà Phạm Vân Thanh (56 tuổi, ở Hà Nội) là bệnh nhân đầu tiên được ghép gan thành công từ người cho sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Đã đăng kí hiến tạng khi qua đời

Anh Quân cho biết, từ năm 2008, mẹ anh thấy ngứa, da sần nghĩ bị dị ứng nên đi khám, sau đó thì phát hiện bị xơ gan mật nguyên phát- một bệnh gan mạn tính. Dù đã điều trị nhưng sức khỏe bà rất yếu, các chỉ số xét nghiệm chức năng gan lên xuống thất thường.

"Mẹ ra cả nước ngoài điều trị mà bệnh tình ngày càng nặng. Mình nhớ lúc đó mẹ rất gầy, chán ăn, sút cân, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, da, mắt vàng... mình rất thương mẹ. Nên luôn nghĩ, nếu làm được cái gì để mẹ khỏi, mình sẽ làm. Vì thế, mình có ý định hiến gan cho mẹ. Sau này, mình cũng sẽ hiến tạng nếu không may chết não, qua đời... để những người bệnh như bố, như mẹ mình có thêm một cơ hội điều trị", Trung Quân chia sẻ.

Quân cho biết, sau khi làm các xét nghiệm, các chỉ số hòa hợp để hiến gan cho mẹ, anh đã đăng kí hiến tạng trước thời điểm ghép gan.

"Thời điểm vào khoảng tháng 10/2017, tôi đã đăng kí hiến tạng nếu không may đời, chết não. Mới đây, khi có bạn gái, tôi cũng chia sẻ việc mình hiến gan cho mẹ và nhận được sự ủng hộ từ bạn gái", Quân vui vẻ chia sẻ.

Khi được hỏi về cảm nhận thấy sức khỏe của mẹ như thế nào sau ghép, chàng trai trẻ này còn nhận thấy sự thay đổi trong thói quen ăn uống của mẹ, giờ mẹ thích ăn món nước, cơm mềm hơn là đồ khô. "Mẹ mình, sau đợt Tết có lẽ cũng tăng cân được một chút", Quân tình cảm nhìn mẹ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân Phạm Vân Thanh là trường hợp ghép gan từ người cho sống đầu tiên của bệnh viện. Các bác sĩ đã lấy lá gan phải của người con trai (chiếm 2/3 lá gan) để ghép cho người mẹ.

Ở người hiến gan, sau khi cắt gan thì mô gan còn lại sẽ tăng cường phát triển tế bào để bù đắp vào khối lượng gan đã bị mất đi, có thể coi là tái tạo gan trở lại, gan sẽ phì đại lên rất nhiều. Tuy không thể trở về như gan bình thường nhưng gan to lên. Vì thế, sức khỏe người cho hầu như không bị ảnh hưởng. Giữ một chế độ sinh hoạt tốt, thể dục thể thao đều đặn người hiến gan vẫn khỏe mạnh, lao động như bình thường.

Hồng Hải