Chăm sóc trẻ ngày nắng nóng

(Dân trí) - "Liên tiếp trong 3 ngày vừa qua, số bệnh nhi vào Khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ đã lên tới 1.300 – 1.400 trẻ/ngày", BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ cho biết. Làm thế nào để bé yêu của bạn tránh được các nguy cơ bệnh tật mùa này?

Trước đó, trung bình mỗi ngày bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh cho khoảng 800 – 1.000 trẻ.

 

Theo BS Nhuận, nguyên nhân của tình trạng bệnh nhi gia tăng trong đột biến trong thời điểm này là do đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu mùa hè đến nay. Đa số bệnh nhi đến khám bị mắc các bệnh sốt, tiêu chảy và các bệnh hô hấp.

 

Đặc biệt, hiện đang là thời điểm thích hợp cho virus viêm não lây lan, trong đó phải kể đến viêm não Nhật Bản. Hiện tại khoa Truyền nhiễm Viện Nhi trung ương đang có 44 bệnh nhi viêm não phải điều trị nội trú, trong đó 1/3 là các ca nặng.

 

Theo bác sỹ Cấn Phú Nhuận, trong những ngày nắng nóng này, khi trẻ đã nghỉ hè thì việc giữ an toàn cho trẻ trong khi chơi là rất quan trọng. Không chỉ để mắt đến trẻ để phòng các tai nạn thương tích như bỏng, tai nạn giao thông, ngã cây… phụ huynh cần chú ý không cho trẻ chơi đùa ở ngoài nắng nóng, nên cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, có bóng cây xanh.

 

Tuyệt đối tránh để trẻ chơi đùa trên nền bê tông hấp thụ nhiệt cao, không có bóng râm, trẻ có thể mải đùa nghịch ngoài trời nắng và quên uống nước. Điều này có thể khiến thân nhiệt của trẻ tăng cao, bị cảm nắng rất nguy hiểm.

 

Để phòng bệnh tiêu chảy ngày hè, nguyên tắc ăn sạch uống chín vẫn là điều phụ huynh phải đặc biệt cẩn trọng. Phải chú ý cho trẻ uống đủ nước lọc và nước hoa quả để bổ sung các vitamin, tăng sức đề kháng cho trẻ.

 

BS Nhuận cũng cho rằng, các phụ huynh nên tránh lạm dụng các biện pháp “làm mát” cho trẻ như dùng điều hoà, cho trẻ uống nước đá, tắm cho trẻ bằng nước lạnh trong phòng có gió lùa…  Việc tiếp xúc với nhiệt độ chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong phòng với nhiệt độ ngoài trời sẽ khiến cơ thể trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

 

Các bác sĩ rất lo ngại khi các ông bố bà mẹ trẻ dường như không ý thức được mức độ nguy hiểm khi trẻ bị bệnh. Khi trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ thường tự mua thuốc điều trị cho con. Chỉ đến khi quá lâu không khỏi họ mới ôm con đến bác sĩ, lúc đó bệnh đã sinh ra nhiều biến chứng.

 

Đặc biệt trong những ngày hè này, tình trạng lạm dụng các thuốc hạ sốt rất phổ biến. Vì trẻ chơi đùa quá nhiều nên thân nhiệt có thể lên một chút, bố mẹ sờ trán thấy con nóng vội vàng cho uống thuốc hạ sốt là rất nguy hiểm. Thường chỉ nên cho con uống thuốc hạ sốt khi bé sốt từ 38,50C trở lên. 

 

Theo BS Nhuận, khi trẻ có biểu hiện sốt, ngoài việc uống thuốc hạ sốt theo cân nặng, phải nới lỏng quần áo, chườm hạ sốt bằng nước mát, tuyệt đối không được chườm bằng nước đá và sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị tốt nhất.  

Hồng Hải – Phương Thảo

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ