Cha mẹ - "Thủ phạm" khiến trẻ ăn uống không lành mạnh

(Dân trí) - Nhiều người trong chúng ta lớn lên cùng ký ức về những món ăn được mẹ hoặc bà bày ra trước mặt. Bất kể chúng ta đang buồn chán vì điều gì, cách chữa sẽ luôn là “ăn cái gì đó đi con”. Nhưng một nghiên cứu mới đây cảnh báo rằng trải nghiệm này, đối với hầu hết mọi người, là yếu tố gây ra tình trạng ăn uống quá độ để xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực.

Các nhà khoa học cho biết những đứa trẻ được cha mẹ cho ăn nhiều hơn để xoa dịu cảm xúc dễ trở thành những người “ăn uống theo cảm xúc” khi lớn lên.

Ngược lại, cha mẹ có con dễ bị dỗ dành bằng đồ ăn có thể sẽ khuyến khích hành vi này.

Một nghiên cứu mới đã tìm thấy những đứa trẻ có cha mẹ 'cảm xúc về ăn uống' sẽ tiếp tục say mê thực phẩm để xoa dịu tâm trạng của họ khi chúng lớn lên. Đây là lần đầu tiên vấn đề ăn uống theo cảm xúc được nghiên cứu ở trẻ tuổi học đường.

Trẻ hay được cha mẹ “cho ăn để đỡ buồn” khi lớn lên sẽ dễ ăn uống quá độ để xoa dịu cảm xúc.
Trẻ hay được cha mẹ “cho ăn để đỡ buồn” khi lớn lên sẽ dễ ăn uống quá độ để xoa dịu cảm xúc.

Thủ phạm gây ra ăn uống theo cảm xúc

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy đã kiểm tra việc nuôi dưỡng và ăn uống theo cảm xúc ở một nhóm 801 trẻ 4 tuổi người Na Uy.

Vấn đề được xem xét lại khi trẻ lên 6, 8 và 10 tuổi để xác định xem cha mẹ (chủ yếu là các bà mẹ) đã định hình hành vi sau này của con như thế nào.

Khoảng 65% số trẻ biểu hiện ăn uống theo cảm xúc ở mức độ nhất định.

Những bậc phụ huynh này thường cho con đồ ăn để chúng cảm thấy tốt hơn khi buồn hoặc bản thân đứa trẻ cũng dễ bị đồ ăn "dụ".

Các bậc cha mẹ được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi mô tả việc ăn uống theo cảm xúc và tính khí của trẻ (trẻ dễ cáu bẳn như thế nào hoặc trẻ kiểm soát cảm xúc tốt thế nào), cùng với việc cho trẻ ăn theo cảm xúc.

Kết quả cho thấy những em bé được cha mẹ cho đồ ăn ở lứa tuổi 4 và 6 tuổi có khuynh hướng ăn uống theo cảm xúc ở độ tuổi từ 8 đến 10.

Thêm vào đó, các bậc cha mẹ có con dễ dàng được an ủi với thực phẩm thì có nhiều khả năng cung cấp thức ăn để xoa dịu chúng.

Ngoài ra, những bậc cha mẹ có con dễ được an ủi bằng đồ ăn thì cũng dễ cho trẻ đồ ăn để dỗ dành chúng.

Vì vậy, được cho ăn theo cảm xúc đã làm tăng tình trạng ăn uống theo cảm xúc và ngược lại.

Tác giả chính, TS. Silje Steinsbekk, giảng viên tâm lý học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho rằng: "Hiểu được việc ăn uống theo cảm xúc bắt nguồn từ đâu là quan trọng vì hành vi này có thể làm tăng nguy cơ bị thừa cân và phát triển rối loạn ăn uống.

Nếu cha mẹ không làm gương về việc ăn uống lành mạnh, họ có thể góp phần khiến đứa con không ăn uống lành mạnh

Khi trẻ ăn để xoa dịu cảm giác tiêu cực, đồ ăn của trẻ thường có lượng calo cao, gây ra thừa cân.

Ăn uống theo cảm xúc cũng gắn liền với sự phát triển của các rối loạn ăn uống sau này như chứng cuồng ăn và ăn vô độ.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng Giêng của Đại học Newcastle ở Anh cho thấy trẻ em có vấn đề về hình dung cơ thể dễ biểu hiện một số triệu chứng kín đáo ở tuổi lên 9. Đến 12 tuổi, các em sẽ ở trong tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều khiến việc can thiệp trở nên vô cùng phức tạp.

Sáng kiến dành cho cha mẹ

Abigail Natenshon, chuyên gia tâm lý trị liệu về rối loạn ăn uống ở Illinois, chia sẻ rằng có những sáng kiến cho các bậc cha mẹ để đảm bảo con cái của mình phát triển mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm.

Một gợi ý là cha mẹ không dạy trẻ ăn ít hay nhiều, mà thay vào đó hãy dạy trẻ ăn uống lành mạnh là gì và làm thế nào để đạt được điều đó.

Chuẩn bị và cung cấp các bữa ăn chính và bữa phụ lành mạnh cho trẻ, tốt nhất là bữa ăn chung, cũng sẽ là một bước tiến dài.

"Cha mẹ cần ý thức về bất cứ vấn đề ăn uống nào mà họ có thể có và không truyền những rối loạn ăn uống này sang con cái.

"Nếu cha mẹ không là tấm gương về ăn uống lành mạnh, thì họ có thể góp phần khiến bản thân đứa trẻ không ăn uống lành mạnh".

Cẩm Tú

Theo DM