“Cao điểm” dịch liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm

(Dân trí) - Đã có 2 bệnh nhân nguy kịch nhập bệnh viện Nhiệt đới TƯ đầu tháng 5 này. Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, đây cũng là tháng “đỉnh” về số bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn trong cả năm.

Tăng mạnh trong mùa nắng nóng

Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho thấy, trong năm 2010, miền Bắc có 55 trường hợp mắc liên cầu nặng phải nhập viện này điều trị. Trong đó có tới 7 người bị tử vong (12,73%) - đây là tỉ lệ tử vong cao đối với loại bệnh có tính lây truyền - và chỉ riêng tháng 5, có 14 trường hợp.

Tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ, từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận 7 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn nặng. Riêng ngày 5/5, đã có 2 ca cùng nhập viện. Trong đó, một ca bệnh nhân nữ ở Thái Bình bị nhiễm khuẩn huyết quá nặng, gia đình xin về và bệnh nhân này đã tử vong.

“Cao điểm” dịch liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm - 1

Bệnh nhân T.X.L vẫn đang hôn mê sau 7 ngày điều trị tích cực (Ảnh: Hồng Hải)
Bệnh nhân còn lại là anh T.X.L (38 tuổi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng bị liên cầu khuẩn thể nhiễm khuẩn huyết nặng. Được biết, anh L làm nghề buôn bán lòng lợn tiết canh nhưng chưa một lần ăn tiết canh. Anh có dấu hiệu phát ban trên da sau khi cả nhà ăn món thủ lợn luộc chấm mắm tôm nên nghĩ đơn giản là sốt phát ban. Vì thế, sau 5 ngày ban không những không lặn mà càng ngày càng rõ, kèm theo mệt mỏi, gia đình mới đưa anh lên bệnh viện tỉnh và được chuyển ra bệnh viện Nhiệt đới TƯ ngay trong ngày.
 
“Khi nhập viện, anh L ở trong tình trạng hôn mê sâu, có ban hoại tử khắp trên da, sốc, tụt huyết áp, khám kiểm tra thì bệnh nhân suy đa phủ tạng (gan, thận) và suy hô hấp phải thở máy. Đến nay, tình trạng suy phủ tạng đã đỡ hơn nhưng anh L vẫn đang hôn mê. Ngoài ra, phần chân của bệnh nhân bị hoại tử quá nhiều nên có khả năng sẽ phải cắt bỏ một phần chi”, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (bệnh viện Nhiệt đới TƯ) cho biết.
 
Biểu hiện mơ hồ, diễn tiến nhanh
 
“Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng”, BS Cấp cho biết.
“Cao điểm” dịch liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm - 2

Từ biểu hiện nổi ban đơn giản, chỉ sau 7 ngày, ban hoại tử đã xuất hiện và như trường hợp này khó có thể bảo toàn được đôi chân
Theo đó, khi bị căn bệnh này, hầu hết bệnh nhân khởi đầu bằng sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. “Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Nếu đến muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp”, BS Cấp nói.
 
Nếu lợn nhiễm khuẩn này (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao (sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC). Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25oC, khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân).
 
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TƯ, cho biết: “Bệnh liên cầu lợn ở người là một trong những bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng ngày càng tăng. Nếu như trước năm 1998, mỗi năm chỉ ghi nhận vài ca mắc thì từ năm 2005 đến nay đã tăng lên hàng chục ca. Nhóm mắc bệnh chủ yếu là nam giới, tuổi từ 30 trở lên”.
 

Tuy nhiên, do đến hết năm 2010 bệnh liên cầu lợn ở người chưa phải là bệnh truyền nhiễm thuộc diện bắt buộc phải báo cáo, nên hệ thống giám sát thường chỉ ghi nhận được những bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện lớn mà chưa thể thống kê đích xác con số mắc bệnh thực tế.

 Hồng Hải