Cảnh giác với dấu hiệu nấc nghẹn, nuốt vướng

(Dân trí) - Dù bị nấc nghẹn, nuốt vướng trong thời gian dài nhưng nhiều người chủ quan không đi khám. Đến khi không thể nuốt, sút cân… thì mới biết là ung thư thực quản giai đoạn cuối. Lúc này, đặt ống thông qua khối u sẽ giúp nâng đỡ dinh dưỡng cho người bệnh.

Đa số nhập viện muộn

Ông Trần Văn T (Hà Đông, Hà Nội) vẫn còn ngỡ ngàng, hoảng hốt khi bác sĩ tại bệnh viện Quân đội 108 thông báo, ông bị ung thư thực quản (UTTQ). Bởi trước đó, ông hay bị nấc nghẹn, nuốt vướng khi ăn cơm nhưng nghĩ do tuổi già, ăn cơm khô.... Vậy mà chỉ 2 tháng sau, khi đi khám, ông đã bị ung thư thực quản giai đoạn cuối, không thể phẫu thuật và phải ăn qua ống xông vì u ác tính gây bít hẹp gần hết thực quản.

Theo TS Vũ Văn Khiên (Chủ nhiệm khoa A3, bệnh viện TƯ quân đội 108), những trường hợp bị UTTQ đến muộn như ông T không phải là cá biệt. Hầu hết các bệnh nhân tới khoa khám đều trong tình trạng K muộn, không còn khả năng phẫu thuật, chỉ điều trị hóa chất và xạ trị hỗ trợ. 

Cảnh giác với dấu hiệu nấc nghẹn, nuốt vướng - 1
Hút thuốc lá, hay uống rượu bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản

Ung thư thực quản thường gặp ở đàn ông trung niên, gặp ở nam nhiều gấp 3 lần nữ. Những người có nguy cơ mắc bệnh liên quan nhiều đến thói quen hàng ngày như uống rượu, hút thuốc lá, uống trà nóng…. Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở người béo phì, người có bệnh lý thực quản, thói quen ăn uống các thực phẩm có chứa chất nitrosamin như thịt hun khói, rau ngâm giấm…

Theo TS Khiên, do căn bệnh này không có những dấu hiệu sớm, bệnh tiến triển rất thầm lặng. Khi xuất hiện các triệu chứng như có cảm giác nuốt nghẹn, nuốt vướng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì thế, để phát hiện sớm căn bệnh này, việc khám sức khỏe định kỳ rất có ý nghĩa sớm để phát hiện căn bệnh này, nhất là ở những nam giới ở lứa tuổi trung niên. Hơn nữa, do bệnh có một vài biểu hiện liên quan đến các bệnh tiêu hóa khác, như triệu chứng khó tiêu, nóng rát trước ngực nên dễ khiến người bệnh chủ quan, cho rằng bị các bệnh dạ dày, trào ngược thực quản thông thường.

Đặt ống thông giúp người bệnh giảm đau, ăn uống tốt

Khi UTTQ ở giai đoạn muộn, khối u lớn che hẹp thực quản khiến người bệnh ăn uống rất khó khăn thậm chí với cả đồ ăn dạng lỏng. Do đau đớn, khó nuốt, thậm chí không thể ăn uống nên thể trạng suy kiệt nhanh chóng.

TS Vũ Văn Khiên cho biết, với thể trạng gầy yếu, nguy cơ tử vong rất cao nếu không giải quyết vấn đề về dinh dưỡng. Thậm chí, người bệnh có thể chết do dinh dưỡng kém trước khi chết vì ung thư. Đặc biệt, đối với bệnh nhân ở giai đoạn cuối, khi khối u xâm lấn gần hết hoặc toàn bộ thực quản, bệnh nhân không thể ăn uống được dù chỉ một ngụm nước. Vì thế, vừa phối hợp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ phải tìm mọi cách để nâng đỡ dinh dưỡng cho người bệnh.

Để nâng đỡ dinh dưỡng giúp cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ sẽ phải mở nội khí quản, đưa ống xông từ cổ họng vào dạ dày để đưa thức ăn thẳng vào. Phương pháp này gây đau đớn và nhiều biến chứng tai hại, nhất là tổn hại rất nhiều đến tính thần của bệnh nhân. Còn với những bệnh nhân UTTQ ở giai đoạn cuối có di căn xa thì phương pháp điều trị chỉ còn mang tính chất tạm thời làm giảm bớt đau đớn, không để bệnh nhân chết do thiếu dinh dưỡng, các bác sĩ đã quyết định đặt ống thông làm nòng (đặt stent) qua khối u. Phương pháp này giúp cho bệnh nhân sống dễ chịu hơn, ăn uống được qua đường miệng, nâng cao chất lượng cuộc sống cuối đời cho bệnh nhân.

Đến nay, đã có 4 trường hợp bị UTTQ giai đoạn cuối được các bác sĩ 108 đặt stent thành công và trường hợp của ông T. là người thứ 4 được đặt stent thành công. Sau đặt stent thực quản 24 giờ bệnh nhân đã ăn uống tốt qua đường miệng bình thường, không sốt và không đau.

Kỹ thuật đặt stent khá đơn giản, bệnh nhân được gây mê tĩnh mạch, các bác sĩ dùng kỹ thuật nội soi đưa stent bằng ống kim loại đặt vào trong ống ung thư thực quản. Sau đặt, stent to ra giúp thực quản lưu thông. Đặc tính ưu việt của kỹ thuật này là an toàn, thời gian phẫu thuật khoảng 30 phút, hậu phẫu không phức tạp, sau 24 giờ bệnh nhân có thể ăn-uống theo đường tự nhiên bình thường và xuất viện về nhà. Sau đặt stent bệnh nhân vẫn có thể truyền hóa chất hoặc tia xạ như bình thường.

Tú Anh

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y