Cảnh báo hiểm họa viêm phổi do bia rượu

(Dân trí) - Với những người nghiện bia rượu lâu năm, lại thêm thói quen uống “chay” mà không ăn uống, hoặc ăn rất ít lâu dần đến suy kiệt và sức đề kháng suy giảm, nguy cơ mắc viêm phổi do loại vi khuẩn nguy hiểm Friedlander càng cao.

Suy kiệt, nhiễm bệnh vì rượu bia

Một trường hợp phải thở máy vì ngộ độc rượu. Ảnh: H.Hải
Một trường hợp phải thở máy vì ngộ độc rượu. Ảnh: H.Hải

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, mới đây, bệnh nhân N.V.Đ (39 tuổi, Hưng Yên) được đưa đến viện trong tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp nặng và có sốc nhiễm trùng, hiện còn đang phải hồi sức tích cực. Các kết quả khám, chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc chứng viêm phổi Friedländer.

Theo người nhà bệnh nhân, anh Đ đã nghiện rượu 15 năm nay, uống rượu liên miên, ăn uống kém.

BS Cấp cho biết, chứng viêm phổi Friedländer là thể viêm phổi nguy hiểm. Trước đây, đa số những bệnh nhân viêm phổi Friedländer là những người lớn tuổi vô gia cư, nghiện rượu vốn có rất nhiều ở châu Âu thời của Friedländer. Tỷ lệ tử vong của bệnh này có thể đến 50% và cá biệt ở những người có sức đề kháng yếu, nếu có kèm nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong có thể tới gần 100%. Căn bệnh này ngày càng giảm đi khi số người nghèo khổ, số người vô gia cư ít dần đi.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc căn bệnh này vẫn là khá cao. Theo BS Cấp, tại khoa Cấp cứu BV Nhiệt đới Trung ương ước chừng trên dưới 20% số ca viêm phổi nặng là thuộc thể bệnh này.

Nguyên nhân là do tỷ lệ người uống rượu bia ngày càng gia tăng, số người nghiện rượu gia tăng, nhiều người chỉ uống rượu mà ăn rất ít nên suy kiệt và sức đề kháng suy giảm. Đáng nói, có những bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã có hàng chục năm nghiện rượu dẫn đến xơ gan do rượu và viêm phổi Friedländer.

Trong khi đó, việc điều trị bệnh viêm phổi Friedländer khá khó khăn và tốn kém. Bởi trên nền một bệnh nhân nghiện rượu đã bị suy kiệt về sức khỏe, sức đề kháng giảm, điều trị vốn đã khó khăn. Lại thêm tình trạng gan, nhiều cơ quan phủ tạng bị tổn thương do uống rượu lâu năm, việc điều trị càng khó khăn hơn, do gan thải độc kém.

“Vi khuẩn K. pneumoniae lại là loại vi khuẩn hay kháng thuốc nên phải sử dụng nhiều loại kháng sinh mạnh, đắt tiền. Các bệnh nhân này phần đông nghiện rượu nhiều năm nên kinh tế gia đình hạn chế nên việc chữa trị càng trở nên khó khăn”, BS Cấp cho biết.

Đừng chỉ uống, hãy ăn!

Thực tế, nhiều người khi ngồi vào bàn nhậu, mải vui mà chỉ nhậu, quên ăn. Cũng có những người, đã thành một thói quen, uống vào là khó ăn uống. Trong khi đó, việc uống mà không ăn, nhất là ở những người nghiện rượu, lâu ngày cơ thể sẽ trở nên suy kiệt, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh.

Còn nguy hiểm trước mắt ở việc uống mà không ăn, khi say người ta ngủ quên với cái bụng rỗng sẽ có nhiều rủi ro cho sức khỏe, như hạ đường trong máu có thể dẫn . tới tử vong hoặc di chứng trên não.

Vì thế, hãy ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột (cơm, bún, mỳ,…), hoặc thức ăn có nhiều đường sẽ hạn chế được nguy cơ này từ rượu.

Khuyến cáo tốt nhất với hàm lượng rượu, đó là nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày. Theo đó nữ không uống quá 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%; Nam không uống quá 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%.

Theo BS Cấp, trong những cuộc nhậu, người ta rất khó để đảm bảo được liều lượng khuyến cáo này. Trong trường hợp bất khả kháng không thể không uống, bạn tuyệt đối không nên uống dồn dập mà uống “lai rai” để tăng khoảng cách thời gian các lần chạm cốc. Đồng thời phải đảm bảo ăn, nhất là tinh bột để giảm nguy cơ say nhanh. Cần luôn có ý thức về sức khỏe để dừng đúng ngưỡng, tránh say rượu có thể gây ra một loạt nguy cơ, hành vi không an toàn cho sức khỏe

Hồng Hải