Cẩn trọng sức khỏe mùa nóng

Theo thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), tính tới ngày 30/06/2013, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người đi viện và 18 trường hợp tử vong. Mùa hè nóng bức càng tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều dịch bệnh phát triển từ tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm – đồ uống.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm trả lời các câu hỏi tại hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống”

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm trả lời các câu hỏi tại hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống”

 

Hãy cùng theo dõi một số tư vấn nhanh của các chuyên gia để có được một mùa hè khỏe mạnh và an toàn.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Để giảm một số bệnh về đường hô hấp, tăng sức khỏe, chống chọi tốt với cái nóng thì uống nước cũng là vấn đề khá quan trọng. Tổng lượng nước của một người trưởng thành đảm bảo từ 2 - 2,5l/ngày, bao gồm cả ăn và uống. Trẻ em tùy độ tuổi, trung bình cần 1 - 1,5lít nước/ngày.

 

Các cháu chạy nhảy nhiều, ra nhiều mồ hôi cần đặc biệt quan tâm nước uống. Ngoài nước lọc ra, chúng ta cũng nên bổ sung nước hoa quả tươi bởi nó có kali lợi tiểu tốt. Với sữa, trẻ chỉ nên uống khoảng 500ml sữa/ngày. Nếu trẻ em béo phì thì nên chọn sữa thấp béo.

 

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải rất thận trọng trong việc lựa chọn đồ uống an toàn. Nước uống đường phố dạng “tự chế” thường ẩn chứa rất nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong mùa hè nóng bức. Bởi vậy, cách an toàn hơn là lựa chọn nước đóng chai. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ngay cả nước đóng chai nếu không    nguồn gốc sản xuất, nếu sử dụng các loại hóa chất độc để tạo hương, tạo mùi, tạo vị thì rất có thể gây độc cho cơ thể như: Suy giảm chức năng gan, thận, làm già hóa các tế bào của cơ thể, làm cơ thể mệt mỏi, và lâu ngày cũng có thể dẫn tới ung thư. Bởi vậy, cần lưu ý lựa chọn sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín, có hạn sử dụng rõ ràng. Nhất là các dạng nước uống có tác dụng nâng cao sức khỏe phải được công bố tiêu chuẩn tại các cơ quan y tế (có số đăng ký y tế ghi trên nhãn mác)”.

 

Hiện nay, xu hướng sử dụng một số loại nước uống truyền thống như nước chè xanh, nước lá vối, nụ vối hay các chè thảo dược vẫn đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Những loại nước uống này có tác dụng tốt trong cơ thể, nhất là trong mùa hè nóng bức: giúp thanh lọc cơ thể và dự phòng các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường... Tuy nhiên, theo GS. TKSH Hoàng Tích Huyền, Chuyên gia Dược học cao cấp, nguyên Trưởng Bộ môn Dược – Đại học Y Hà Nội thì cũng phải cần xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ của những loại nguyên liệu để chế biến các loại đồ uống trên để có thể yên tâm khi sử dụng. “Để xem xét vấn đề thảo dược an toàn hay không thì khá là phức tạp. Bởi nó nằm từ khâu trồng trọt (người trồng thảo dược có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định hay không, đặc biệt là những loại không được cấp phép trong cây dược liệu/thảo mộc). Rồi việc trồng cây dược liệu đó được thực hiện trong môi trường thế nào (vùng đất, nguồn nước, nguồn không khí,… có ô nhiễm hay không?”. Khâu thu hoạch và bảo quản cũng là một vấn đề cần xem xét. Không ít trường hợp dược thảo được sơ chế, bảo quản trong những điều kiện cực kỳ mất vệ sinh (có thể nhìn thấy bằng mắt thường) nên nhiễm một số yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tất cả những vấn đề này, có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của thảo dược, khiến tác dụng của chúng đến sức khỏe đôi khi là “lợi bất cập hại”, GS Hoàng Tích Huyền cho biết thêm.

 

Cũng bởi những nguy cơ này nên theo GS Hoàng Tích Huyền: “Để giảm thiểu những nguy cơ tới sức khỏe trong mùa hè nóng bức, người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận đảm bảo của cơ quan quản lý chức năng, có chứa những thành phần có lợi cho sức khỏe. Ngay cả với các loại thảo dược tự nhiên, cũng phải đảm bảo biết rõ nguồn gốc chính xác. Tuyệt đối không lựa chọn những loại nước uống được bán trên vỉa hè bởi chúng không chỉ có thêm nguy cơ nhiễm bẩn bởi bụi đường phố tung lên khi có xe hoặc người đi bộ ngang qua mà còn do không được bảo quản đúng cách, ví dụ phơi nắng trực tiếp dẫn đến biến chất trong sản phẩm, xâm nhập và tích lũy trong cơ thể người sử dụng rồi gây bệnh”.

 

V.Linh