Cẩn trọng khi dùng khăn ướt cho trẻ nhỏ

(Dân trí) - Sau khi Bộ Y tế lên tiếng cảnh báo, yêu cầu cấm lưu hành một số sản phẩm có chất bảo quản cấm thì người tiêu dùng mới thực sự lo lắng cho sức khoẻ của trẻ em và gia đình.

Hãy cẩn trọng khi dùng khăn ướt cho trẻ nhỏ.
Hãy cẩn trọng khi dùng khăn ướt cho trẻ nhỏ.
Khăn ướt ngày càng được sử dụng phổ biến trong đời sống gia đình, đặc biệt là trẻ em do tính tiện dụng của sản phẩm. Do đó, khi Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đưa ra danh mục chất cấm, người tiêu dùng đã giật mình vì nhiều loại khăn ướt sử dụng hàng ngày có thành phần bị cấm.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai), về khoa học, mọi sản phẩm đều có nguy cơ gây dị ứng, đặc biệt với đối tượng trẻ em, trẻ sơ sinh. Trong quá trình khám chữa bệnh, không ít trẻ bị hăm tã và hăm tã càng trở nên trầm trọng hơn khi được “cộng lực” bởi các loại giấy ướt dùng cho trẻ.

“Có lần nhìn thấy em bé mông, bẹn, hậu môn đỏ loét vì đi ngoài nhiều mà mẹ vẫn lấy khăn để lau, chạm vào là bé co dúm người lại, khóc thét, tôi đã khuyên mẹ của bé hãy dùng tay và nước để rửa vệ sinh cho trẻ. Bởi da trẻ đang tổn thương, khăn ướt có thể là nguyên nhân gây thêm kích ứng da cho trẻ. Chưa kể nếu khăn ướt không đảm bảo vệ sinh do sản xuất thủ công, trẻ có thể bị nhiễm thêm bệnh từ khăn ướt, đặc biệt là nguy cơ từ những chất có thể tác động đến sức khỏe đang được dùng trong khăn ướt”, PGS Dũng nói.

Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, tránh mọi nguy cơ dị ứng, viêm da cho trẻ, khi mua khăn ướt và sữa tắm cho trẻ cũng như bất cứ các đồ tiêu dùng gì liên quan, người tiêu dùng nên tạo thói quen xem, đọc kỹ nhãn mác để nhận biết thành phần ghi trên sản phẩm; hạn sử dụng của nhà sản xuất; cảnh báo nguy cơ... Tuyệt đối không mua những sản phẩm không ghi rõ thành phần trên bao bì, bao bì đóng gói không rõ nguồn gốc.

Dựa trên cảnh báo và quy định cấm sử dụng các chất bảo quản parabens ở nhiều nước trên thế giới, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã ban hành công văn khẩn về việc bổ sung quy định các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó quy định cấm 5 dẫn xuất Paraben (bao gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) và cấm Methylisothiazolinone chỉ được dùng với liều lượng quy định. Theo đó, các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015. Còn đối với sản phẩm sử dụng chất bảo quản Methylisothiazolinone sản xuất trong nước, nhập khẩu được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.  

Paraben là biến thể của dầu hỏa, trong các sản phẩm mỹ phẩm được dùng làm chất bảo quản trong mỹ phẩm và thức ăn để ngăn ngừa sự oxy hoá của sản phẩm. Các parabens có hoạt tính giống như nội tiết tố estrogen của phụ nữ có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố đồng thời chúng có thể gây ra chứng viêm biểu bì da.

Tú Anh