Cần Thơ: Nhiều bệnh viện công không tuyển được bác sĩ

(Dân trí) - Ngành y tế Cần Thơ đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực ở các bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa như Lao, Tâm thần, Da liễu… Mặc dù thành phố cũng đưa ra các chính sách nhưng vẫn không thu hút được bác sĩ.

Bệnh viện tâm thần Cần Thơ đã nhiều năm nay không tuyển được bác sĩ
Bệnh viện tâm thần Cần Thơ đã nhiều năm nay không tuyển được bác sĩ
 
Mới đây, tại buổi làm việc với Thường trực thành ủy, UBND TP Cần Thơ cùng các sở, ban ngành, bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi – Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết trong năm 2013 ngành được giao chỉ tiêu tăng số giường bệnh lên 205 giường với số biên chế đề nghị tăng là 246 nhưng hiện nay vẫn chưa được tăng biên chế và ngân sách, nên các bệnh viện đều gặp khó khăn trong hoạt động.
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ, cho biết từ năm 1995 đến nay bệnh viện không tuyển thêm được bác sĩ nào, vì vậy bệnh viện hiện chỉ có 12 bác sĩ trong khi có 80 giường bệnh và đang xây mới bệnh viện 200 giường. Đó là chưa tính bệnh viện còn quản lý bệnh và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc cho 6 tỉnh lân cận (dự án do Bộ Y tế giao).

Tương tự bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ cũng chịu cảnh như thế. Bác sĩ Nguyễn Tiến An – Giám đốc bệnh viện cho biết: Được thành lập từ năm 1998, mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho gần 200 bệnh nhân ngoại trú và 40 bệnh nhân nội trú. Tuy nhiên bệnh viện chỉ có 8 bác sĩ và con số này từ khi thành lập đến nay vẫn không được nâng lên, vì không ai chịu về nhận công tác ở đây.

Cũng theo bác sĩ An nguyên nhân chính của việc không tuyển được bác sĩ là vì ngành này thu nhập thấp, áp lực cao, không làm được phòng mạch tư, điều trị cho bệnh nhân tâm thần cần nhiều thời gian, có nhiều người lành bệnh được một thời gian ngắn lại mắc bệnh trở lại…

 Ngành y tế đang xin cơ chế và chủ trương tuyển 327 viên chức để chuẩn bị cho Bệnh viện Đa khoa thành phố 500 giường (dự kiến di dời vào cuối năm 2013) và thành lập bệnh viện phụ sản 250 giường. Để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu nhân lực, ngành y tế Cần Thơ đề nghị sửa quy chế đào tạo về việc cán bộ viên chức sau 3 năm công tác hoàn thành nhiệm vụ mới được cử đi đào tạo, để người mới ra trường sau khi được tuyển dụng vẫn có thể đi đào tạo ngay. Riêng đối với các cơ sở hệ dự phòng, lao, tâm thần, pháp y… khó thu hút được nhân lực thì cần có chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, đào tạo.

Cũng theo bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, thực hiện nghị quyết số 44 về chính sách thu hút nguồn nhân lực của TP Cần Thơ, tại khoản 5 điều 7, mục 2 của quyết định về quy trình tiếp nhận chỉ quy định việc tiếp nhận đối với bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn mà không có quy định về tiếp nhận đối với bác sĩ tuyến quận huyện nên ngành không thực hiện được thủ tục tiếp nhận đối với bác sĩ hoặc cử nhân về công tác tại tuyến quận, huyện.

 Bên cạnh đó việc thu hút nhân lực tại tuyến thành phố chỉ cho thu hút đối tượng có trình độ sau đại học (Thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ CK 1, CK2…) do vậy các cơ sở y tế tuyến thành phố thuộc hệ dự phòng, pháp y, giám định, lao, tâm thần không thể tuyển được người. Bác sĩ Lệ Phi cũng đề nghị sở nội vụ tham mưu cho UBND TP điều chỉnh những điều khoản chưa phù hợp, mở rộng đối tượng các cơ sở y tế tuyến thành phố thuộc hệ dự phòng, pháp y, lao, tâm thần…

Bác sĩ Hồ Bảy- giám đốc Trung tâm Pháp y Cần Thơ
Bác sĩ Hồ Bảy- giám đốc Trung tâm Pháp y Cần Thơ
 
Bác sĩ CK 2 Hồ Bảy, Giám đốc Trung tâm Pháp y Cần Thơ, cho biết: Trung tâm được thành lập năm 2007 với 3 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ đi học, năm 2008 có một bác sĩ chuyên tu vừa ra trường tình nguyện về đây làm việc nhưng một tháng sau lại viết đơn tha thiết xin nghỉ. Hiện trung tâm có 3 bác sĩ, một người giữ chức giám đốc, 1 người là phó giám đốc, bác sĩ còn lại giữ chức trưởng phòng tổ chức hành chính nhân sự.

Bác sĩ Hồ Bảy tâm sự: “Mặc dù chúng tôi là bác sĩ thực thụ, ăn lương của ngành y nhưng chủ yếu làm theo quyết định trưng cầu của cơ quan tố tụng. Vì vậy đòi hỏi trách nhiệm phải cao, nghĩa vụ với pháp luật thì lớn nhưng chế độ không tương xứng”.

 Cũng theo bác sĩ Bảy, trước đây khi chưa có nghị định 74 thì mỗi ca mổ tử thi chỉ được 200 ngàn, nhưng phải mất mấy tiềng đồng hồ mới xong, có những ca bị chết từ lâu sau đó mới tìm thấy xác và phải mổ ngay tại hiện trường nên càng khó khăn hơn. Bác sĩ Bảy cũng mong muốn thời gian tới mỗi bệnh viện tuyến huyện đều có nhà đại thể thì công việc của bác sĩ pháp y cũng bớt đi phần nào nặng nhọc.

 Tại cuộc họp, ông Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ đề nghị trong đầu tư, ưu tiên cho y tế cơ sở, lưu ý nhân lực cho các bệnh viện Lao, tâm thần, pháp y, y tế dự phòng…đồng thời đầu tư xây dựng đồng bộ giữa đông y và tây y.

Phạm Tâm