TPHCM:

Cần theo dõi trẻ ít nhất 24 tiếng đầu sau tiêm vắc xin Quinvaxem

(Dân trí) - Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm. Còn trong thời gian này trẻ sẽ gặp những phản ứng thông thường.

Vắc-xin dịch vụ không đồng nhất với Quinvaxem

Từ ngày 11/11, TPHCM sẽ tái sử dụng vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
 
Hiện mỗi tháng thành phố có nhu cầu khoảng 216.000 liều vắc-xin để phục vụ tiêm chủng cho 88.000 trẻ. Trong đó có 16.000 trẻ tiêm sởi 1, sởi 2 và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván); khoảng 72.000 trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem theo lịch và tiêm bù. Ngày 11/11, thành phố sẽ tái triển khai tiêm Quinvaxem sau nhiều tháng tạm ngưng.

Theo đó, đợt tiêm chủng này sẽ tập trung chích bù cho những trẻ đã tiêm vắc-xin Quinvaxem (từ 2 tháng tuổi đến 16 tháng tuổi) nhưng còn thiếu mũi tiêm để vắc-xin phát huy được hiệu quả miễn dịch. Căn cứ trên tiền sử tiêm quinvaxem của trẻ, bác sĩ sẽ chích ngừa mũi 1 hoặc mũi 2 và 3 cho phù hợp.

Nếu tiêm dịch vụ trẻ sẽ phải tiêm bổ sung khi sử dụng Quinvaxem (ảnh minh họa)
Nếu tiêm dịch vụ trẻ sẽ phải tiêm bổ sung khi sử dụng Quinvaxem (ảnh minh họa)

Đối với những trẻ đã tiêm vắc-xin dịch vụ, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, đề nghị tiếp tục tiêm vắc-xin dịch vụ để đảm bảo an toàn tuyết đối cho trẻ. Trao đổi với Dân trí, BS Thọ cho biết: “Việc không chích ngừa vắc-xin Quinvaxem cho những trẻ đã tiêm ngừa dịch vụ là do trên thị trường hiện có nhiều loại vắc-xin không đồng nhất với vắc-xin có trong Quinvaxem. Do đó, nếu đã chích ngừa dịch vụ lại quay sang chích Quinvaxem, bệnh nhi sẽ phải tiếp tục chích bù những loại vắc-xin chưa có trong vắc xin dịch vụ để đảm bảo sự tương thích với Quinvaxem thì mới đạt được hiệu quả miễn dịch”.

“Trong quá trình tiêm chủng, bác sĩ sẽ phải khám sàng lọc, xem sổ chích ngừa và tư vấn kỹ về tiền sử đã tiêm các loại vắc xin của trẻ. Khi tái sử dụng vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ có quyền được thụ hưởng nếu vì lý do nào đó phụ huynh có trẻ đã đi tiêm dịch vụ nhưng vẫn một mực yêu cầu tiêm Quinvaxem cho trẻ chúng tôi vẫn phải bất đắc dĩ chấp thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp này gia đình phải thỏa mãn được các yêu cầu của bác sĩ”, BS Đắc Thọ cho biết thêm.

Phụ huynh không nên quá hoang mang

Trước khi tái sử dụng vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ngành y tế thành phố đã đồng loạt thanh kiểm tra điều kiện an toàn tiêm chủng tại các cơ sở y tế tham gia chích ngừa cho trẻ. Hiện, còn một số trạm y tế bị đoàn kiểm tra nhắc nhở vì chưa đáp ứng đủ điều kiện an toàn tiêm chủng, Trung tâm Y tế dự phòng yêu cầu các quận huyện khẩn trương kiểm tra trước khi tiến hành tiêm chủng trở lại.

Sở Y tế cũng đã chấp thuận đề xuất, cho phép các trạm y tế phường xã có mặt bằng chật hẹp được tăng thêm buổi tiêm chủng trong tháng. Các phường xã có số trẻ đông, ngoài việc được tăng số buổi tiêm chủng sẽ được hỗ trợ thêm nhân viên y tế. Tất cả các phường xã đều phải thực hiện nghiêm yêu cầu chỉ được tiêm tối đa 50 trẻ trong một buổi tiêm chủng, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn trong việc bảo quản vắc-xin; chuẩn bị sẵn sàng thuốc chống sốc và phương tiên cấp cứu.

Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu để làm chủ phản ứng sau tiêm ở trẻ
Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu để làm chủ phản ứng sau tiêm ở trẻ

Đợt tiêm chủng này sẽ sử dụng vắc-xin Quinvaxem hoàn toàn mới, vắc-xin cũ sẽ tiếp tục được bảo quản và niêm phong. Vắc-xin mới sẽ do Viện Pasteur thành phố phân phối. Trung tâm Y tế dự phòng dự kiến phải mất ít nhất 3 tháng kết hợp giữa tiêm cho trẻ mới sinh và tiêm bù cho trẻ đang chờ Quinvaxem mới ổn định trở lại việc tiêm chủng mở rộng.

Để trấn an những lo lắng của các bậc phụ huynh trước đợt tiêm chủng trở lại, BS Nguyễn Đắc Thọ cho biết: “Phản ứng phụ khi chích ngừa tất nhiên phải có. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá hoang mang vì những phản ứng nguy hiểm rất hiếm khi xảy ra. Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ thông tin về những phản ứng phụ ngay tại điểm tiêm chủng để làm chủ được những phản ứng sau tiêm ở trẻ.”

Theo BS Thọ: “Những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm nên phụ huynh cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời nếu trẻ xuất hiện tình trạng: Nổi ban, mề đay, sưng môi, phù mắt, khó thở, mất tri giác”.

“Sau thời gian 30 phút, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 tiếng. Trong thời gian này trẻ sẽ gặp những phản ứng thông thường: Đau nơi tiêm, quấy khóc, biếng ăn, nổi ban, sốt nhẹ. Các phản ứng nặng rất hiếm gặp cần được can thiệp y tế gồm: Sốt cao trên 390C, khóc thét kéo dài, tím tái, khó thở, co gồng và các biểu hiện bất thường khác. Trong trường hợp này, trẻ cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chăm sóc”.

Vân Sơn