Cần phục hồi chức năng ngay trong 24 giờ đầu sau khi đột quỵ khởi phát

(Dân trí) - Cũng như cấp cứu đột quỵ, sự chậm trễ về thời gian trong phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ sẽ khiến bệnh nhân có thể trở thành người sống phụ thuộc suốt đời.

90% bệnh nhân đột quỵ được cứu sống nhưng tàn tật

Tại Hội nghị khoa học Phục hồi chức năng toàn quốc tổ chức tại bệnh viện Bạch Mai ngày 13-14/4, PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc TT Phục hồi chức năng Bạch Mai, cho biết: Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới và ở các lứa tuổi. Hàng năm, có khoảng 230.000 ca mới và ước tính ngành Y tế chi phí khoảng 48 triệu USD/năm.

Khoảng 86% bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại khoa Cấp cứu, khoa Điều trị tích cực và đơn vị Can thiệp tim mạch. Và nhờ các phương pháp can thiệp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay trong những giờ đầu nên tỉ lệ tử vong do căn bệnh này đã giảm 17% kể từ 2013 đến nay.

Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90%, với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tỳ đè,...

Trong số đó, chỉ 25 - 30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20 - 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Nguyên nhân được chỉ ra là do hầu hết bệnh nhân đột quỵ bắt đầu tập phục hồi chức năng quá muộn (đa số là sau 1-2 tuần kể từ thời điểm xuất hiện đột quỵ).

Một nghiên cứu tại các bệnh viện phía Nam năm 2011 cho thấy bệnh nhân thường xuất viện sau 1 tuần nhập viện với 80% trong số này không được tập phục hồi chức năng.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cần phục hồi chức năng ngay trong 24 giờ đầu sau khi đột quỵ khởi phát

GS.Andreas Winkler, Chủ tịch Hội nghiên cứu lâm sàng phục hồi chức năng thần kinh Áo, cho biết, trong những giờ đầu sau đột quỵ, tế bào thần kinh sẽ bị chết, xuất hiện sự rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, cơ chế tự chỉnh sửa của cơ thể được kích hoạt, xuất hiện sự bù trừ về chức năng ở vùng tổn thương và hình thành các tân tạo ở mạch máu, các dinh dưỡng được tập trung tạo điều kiện cho tế bào thần kinh phát triển. Sau 1 tháng, bộ não sẽ hình thành quá trình tái tạo, tự học tập.

Theo đó các chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ cũng được xây dựng trên tiến trình này.

GS.TS Winkler cho rằng cần phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ ngay trong 24h đầu với các phương pháp như tạo thuận vận động qua tư thế nằm và điều này sẽ giúp giảm thiểu tàn tật sau đột quỵ.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông đặc biệt lưu ý chỉ nên thực hiện phục hồi chức năng vận động đứng, ngồi, di chuyển sau 48 giờ đầu đột quỵ. Bởi các nghiên cứu cho thấy việc yêu cầu bệnh nhân vận động quá sớm sẽ ảnh hưởng tới quá trình hồi phục sau này.

Còn theo GS.TS Bernhard Iglseder - Viện trưởng Viện Lão khoa Viện Christian Klinik, Áo, GS, việc đánh giá mức độ tổn thương và vị trí tổn thương như cảm giác, ngôn ngữ, vận động sẽ tiên lượng được khả năng phục hồi cũng như xây dựng chiến lược bù trừ, tập luyện… phù hợp.

Việc đánh giá này sẽ quyết định 30-50% sự phục hồi của bệnh nhân sau này.

Cần lưu ý, quá trình phục hồi vận động xảy ra phần lớn trong 3 - 6 tháng đầu, và có thể tiếp tục cho đến 2 năm hoặc hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị liệt vận động nặng.

Người nhà bệnh nhân đột quỵ cũng sẽ được học miễn phí cách phục hồi chức năng bài bản

Đây là một phần quan trọng trong chương trình AVANT – Chương trình phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ do Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Phj hồi chức năng Việt Nam thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá: “Chưa bao giờ có một chương trình đào tạo lớn như vậy”. Bởi theo chương trình này, các nhóm bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành phục hồi chức năng của các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam sẽ sang các TT Phục hồi chức năng hang đầu tại Cộng hòa Áo để được đào tạo chuyên sâu về phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ. Và đội ngũ nòng cốt này sẽ tiếp tục đào tạo lại cho các bác sĩ, kỹ thuật viên trong nước và những học viên đạt yêu cầu sẽ đào tạo người nhà bệnh nhân đột quỵ. Dự kiến sẽ có 100 lớp, mỗi lớp 40-50 học sinh.


Trần Phương