Hậu vụ phát hiện sữa nhiễm melamine:

Cải tổ quy trình cấp phép thực phẩm có khả thi?

(Dân trí) - Không phải đến khi “cơn bão” melamine ảnh hưởng tới VN, lỗ hổng trong quy trình cấp phép thực phẩm mới bị phát hiện. Trước đó, không ít những sai phạm của các sản phẩm thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, bắt nguồn từ khâu cấp phép còn lỏng lẻo.

Nhưng lần này, có lẽ mức độ nghiêm trọng của sự việc đã khiến Bộ Y tế đi tới quyết định phải “cải tổ” lại bộ máy hoạt động kém hiệu quả của Cục ATVSTP ngay trong tháng 10. Tuy vậy, với những điều kiện thực tế đang có tại Cục ATVSTP, người tiêu dùng vừa hy vọng vừa không khỏi lo lắng về hiệu quả và tính khả thi của cuộc “cải tổ” trong tương lai.

Cấp phép thực phẩm quá dễ dãi

Một lỗ hổng nguy hiểm trong quy trình cấp phép của Cục ATVSTP đã được phát giác qua hàng loạt các vụ việc rắc rối liên quan đến thực phẩm chức năng. Mới đây, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP  - ông Trần Đáng cũng từng thẳng thắn thừa nhận: Hàng tuần, Cục tiếp nhận khoảng 20 hồ sơ xin cấp phép lưu hành về thực phẩm chức năng. Trong đó, có nhiều sản phẩm công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, chống lão hóa, giảm cân, cường dương, bổ thận v.v… Tuy nhiên, tác dụng thực sự của các sản phẩm này đến đâu thì chỉ dựa trên hồ sơ do doanh nghiệp tự công bố.

Ai cũng biết thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng điều trị như thuốc. Thế nhưng, những loại thực phẩm chức năng tự quảng cáo những công dụng nghe rất hấp dẫn và thuyết phục, trong khi chưa được kiểm định thực hư vẫn được cấp phép. Hậu quả tất yếu là người tiêu dùng hiểu lầm và bị đánh lừa. Cách đây không lâu, nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối ở Bệnh viện K đã đổ xô đi tìm mua loại dược phẩm Tr. được quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư, với giá chợ đen lên tới hơn 1 triệu đồng/hộp, trong khi đó chỉ là thực phẩm chức năng.

Xung quanh chuyện cấp phép lưu hành thực phẩm, đã có những chuyện thật mà như đùa xảy ra. Đó là sản phẩm viên đặt âm đạo Khang Mỹ Đơn, nguồn gốc Trung Quốc lại được Cục ATVSTP cấp phép… thực phẩm chức năng. Hay thuốc điều trị rối loạn cương dương có tên Supai 99 Tongkat Ali Plus, nhập từ Malaysia cũng được cấp phép… thực phẩm chức năng. Sau 2 năm lưu hành và khiến nhiều người tiêu dùng bị mắc lừa, đến tháng 6/2008, sản phẩm này mới bị buộc thu hồi trên toàn quốc.

Cục ATVSTP đã hơn một lần phải giải trình về những thiếu sót trong quy trình cấp phép thực phẩm nhưng những lỗ hổng đã tìm ra vẫn chưa được giải quyết. Dư luận không khỏi bất bình vào cuối năm 2007, 4 sản phẩm cao ngựa bạch, ngựa kim, ngựa màu, cao mèo của Công ty Chu Việt được cấp phép lưu hành để rồi sau đó thanh tra Bộ Y tế phát hiện, sản phẩm có chỉ tiêu vi khuẩn bacillus Cereus không đạt, chỉ tiêu hàm lượng đạm, phốt pho không đạt so với tiêu chuẩn…

Về khâu tiền kiểm, muốn nhập vào Việt Nam, nguyên liệu sữa, sữa và các sản phẩm từ sữa phải được các cơ quan như Viện Dinh dưỡng quốc gia, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng… kiểm định chất lượng; hoặc doanh nghiệp phải có chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng của các cơ quan kiểm nghiệm cấp quốc tế và độc lập với doanh nghiệp. Đây được coi là kết quả tự công bố chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Cục ATVSTP - Bộ Y tế sẽ tiếp nhận hồ sơ xin nhập khẩu của doanh nghiệp và thẩm định hồ sơ dựa trên căn cứ nói trên.

Nếu hồ sơ hoàn chỉnh, chỉ cần có kết quả tự công bố chất lượng đạt yêu cầu tức là doanh nghiệp có thể đủ điều kiện được cấp phép nhập khẩu và sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm nếu công bố sai. Phía Cục ATVSTP không có biện pháp kỹ thuật nào để thậm định lại kết quả tự công bố chất lượng đó. Quy trình cấp phép thực phẩm nhập khẩu chỉ kéo dài 15 ngày. Cả quy trình từ tiếp nhận đến thẩm định hồ sơ và cấp phép thường chỉ do 1-2 chuyên viên của Cục xem xét và đưa ra quyết định. Vì thế, khâu hậu kiểm dường như hoàn toàn bị bỏ trống.

Những thiếu sót trong việc cấp phép cho thực phẩm dường như luôn bộc lộ theo quy trình ngược. Trên thực tế, số sữa bột nguồn gốc Trung Quốc bị phát hiện nhiễm melamine tại Công ty cổ phần thương mại và công nghệ thực phẩm Anco và Công ty cổ phẫn sữa Hà Nội đều có giấy chứng nhận đạt chất lượng của Sở Y tế Hải Phòng mới có thể thông quan được. Chỉ khi các mẫu sữa bị phát hiện chức chất độc melamine, tức là chất lượng thực phẩm không ổn ở “phần ngọn”, những lỗ hổng lớn ở “phần gốc”, khâu thẩm định hồ sơ mới được nhìn ra.

Cuộc “cải tổ” liệu có khả thi?

Theo kết quả khảo sát mà Bộ Y tế đưa ra vào tháng 7/2008, có tới 215/459 hồ sơ thực phẩm chức năng do Cục ATVSTP cấp phép lưu hành (từ năm 2006 đến tháng 9/2007) bị lỗi. Ngoài những lỗi sơ đẳng như thiếu sót giấy tờ, …sai chính tả, các hồ sơ này còn có những lỗi ảnh hưởng mạnh đến chất lượng mặt hàng như không đật tiêu chuẩn hóa lý, chỉ tiêu vi sinh vật, chỉ tiêu kim loại nặng… Điều đáng bàn nữa là sản phẩm trước khi lưu hành chỉ được xét nghiệm về vi sinh vật, kim loại nặng…, còn chỉ tiêu rất qua trọng là hàm lượng các vi chất chủ yếu thì lại bỏ quên. "Làm quá thoáng, ào ào và ẩu" - đó là nhận xét của một cán bộ thanh tra làm việc tại Bộ Y tế về quy trình cấp phép của Cục ATVSTP.

Người tiêu dùng đặt hy vọng ở một cuộc cải tổ toàn diện quy trình cấp phép thực phẩm tại Cục ATVSTP sẽ phải hoàn thành trong tháng 10 này. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định: Không thể chỉ tiếp nhận một cách cơ học kết quả tự công bố chất lượng của doanh nghiệp, Cục ATVSTP sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật để thẩm định lại chất lượng của thực phẩm trước khi cấp phép. Bất kỳ thực phẩm nào bị phát hiện chất lượng không đúng với kết quả công bố thì sẽ bị rút giấy phép trong vòng 1 năm.

Theo đó, việc kiểm định chất lượng thực phẩm cũng phải tiến hành chặt chẽ như dược phẩm. Thay vì chỉ có 1-2 chuyên viên xem xét hồ sơ và ra quyết định đủ điều kiện cấp phép, sẽ có một hồi đồng khoa học với các chuyên gia uy tín. Mỗi sản phẩm được cấp phép phải dựa trên ý kiến thẩm định của hội đồng này. Hồ sơ cấp phép sẽ được lưu vào máy tính, chứ không phải xếp vào kho, dẫn đến “tìm mãi không ra”, “cấp phép rồi quên” khi phát hiện hoặc nghi ngờ có sai phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế, Phòng Cấp phép, Cục ATVSTP luôn đứng trước “núi” công việc là phải thẩm định, cấp phép hơn hơn 10.000 hồ sơ/năm, tức là mỗi ngày có tới… 40 hồ sơ. Trong khi 1 hồ sơ thẩm định kỹ phải cần tới… 3 tháng. “Thiếu biên chế”, “thiếu nhân lực có chuyên môn”, “lực lượng cán bộ quá mỏng”, thiếu máy móc phương tiện hỗ trợ… là lời than phiền đã kéo dài bấy lâu ở Cục ATVSTP.

Quả thực, Cục ATVSATP đang phải gánh khối lượng công việc quá sức so với năng lực hiện tại, bao gồm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ kiêm giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng của doanh nghiệp. Tới đây, trách nhiệm trong khâu kiểm định lại chất lượng sản phẩm sẽ phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Nếu chỉ có việc Cục ATVSTP tự chấn chỉnh, kiểm điểm chắc chắn là chưa đủ mà còn cần sự đầu tư thích đáng về nhân lực, phương tiện của Bộ Y tế thì cuộc “cải tổ” quy trình cấp phép thực phẩm mới khả thi. Tuy vậy, dù có khó khăn nào, thì cũng đã đến lúc phải thay đổi - đó là đòi hỏi không thể phủ nhận của người tiêu dùng trước hàng loạt những sự cố đáng tiếc từ việc cấp phép thực phẩm dễ dãi.

Lam Giang