Cải thiện sức khỏe sau sinh

Hỏi: Tôi sinh mổ đã được gần 2 tháng. Do không được chăm sóc kỹ trong tháng sau khi sinh nên giờ sức khỏe tôi yếu và thường hay bị ớn lạnh. Phần bụng của tôi còn rất to. Xin bác sĩ cho vài lời khuyên giúp cải thiện sức khỏe. (Nguyen Thi Thuy Phuong - Hòa Hảo, P.1, Q.10)

Đáp: Sau khi mang thai và sinh nở, sự tiêu hao sức khỏe ở sản phụ tương đối lớn. Thời kỳ nghỉ sinh cũng giống như thời kỳ mang thai, việc chăm sóc ăn uống cho sản phụ là vô cùng quan trọng, nhằm bổ sung sự tiêu hao sức lực đồng thời bổ sung dinh dưỡng cần thiết để đủ sữa cho con bú.

 

Dinh dưỡng tối thiểu

 

- Protein (đạm): thịt nạc, cá, trứng, sữa và các loại gia cầm như gà vịt đều chứa rất nhiều protein động vật; các loại sản phẩm từ đậu như đậu hũ đều chứa một lượng lớn protein thực vật.

 

- Chất béo: các loại thịt và mỡ động vật chứa nhiều chất béo động vật; các loại đậu phộng, mè... chứa nhiều chất béo thực vật.

 

- Chất đường: Tất cả các loại ngũ cốc như gạo, mì, bắp, kê, khoai lang, khoai tây, hạt dẻ, sen, mật ong đều có chứa một hàm lượng lớn đường.

 

- Chất khoáng: Trong rau cải, tảo, rau cần, cà rốt, hẹ, rau diếp và cải trắng có nhiều phốt pho; tảo biển, cá biển có chứa nhiều iode.

 

- Vitamin: gồm các loại vitamin A và D có nhiều trong dầu gan cá, trứng và sữa, rau dền, rau diếp, bó xôi… Vitamin nhóm B có nhiều trong kê, bắp, gạo lức, bột mạch, đậu các loại… Vitamin C có nhiều trong các loại rau tươi, cam quít, dâu tây, chanh, nho, táo, cà chua...

 

Nguyên tắc phục hồi sức khỏe sau sinh

 

- Ăn nhiều thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là phải ăn nhiều thức ăn chứa nhiều Protein, can xi, sắt như thịt bò, trứng gà, sữa bò, gan và thận động vật.

 

- Phối hợp ăn uống hợp lý, dinh dưỡng phải toàn diện chứ không phải ăn theo ý thích của mình, không nên ăn một thứ quá nhiều cũng như quá ít. Trong món ăn phải có đủ thức ăn thô như gạo, bắp, kê...

 

- Ăn nhiều loại thực phẩm dễ tiêu hóa và ít kích thích dạ dày, tránh táo bón, không nên kén ăn hoặc ăn kiêng một cách thái quá; đặc biệt thời ký cho con bú phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ mọi mặt và phải đảm bảo vệ sinh trong ăn uống.

 

- Không nên ăn những thức ăn cay nóng như hành, ớt, hẹ... có thể ảnh hưởng tới trẻ qua sữa. Không nên ăn thức ăn sống, lạnh vì chúng có thể làm tổn thương dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và dễ tạo máu bầm, đau răng.

 

- Ngoài 3 bữa chính nên ăn thêm các bữa phụ, các loại thức ăn dễ tiêu như mì sợi, hoành thánh, cháo gà... để tăng lượng sữa cho con bú.

 

Để tránh tích tụ mỡ bụng cũng như giữ cho thân hình thon thả sau khi sinh cần năng tập thể dục thẩm mỹ, đối với những sản phụ sinh nở thuận lợi thì có thể tập thể dục nhẹ nhàng sau 24 giờ sau khi sinh; còn với những sản phụ sinh mổ thì sau một tuần mới nên tập, nhưng tóm lại là tập sớm tốt hơn là tập muộn, tuy nhiên phải tập từ nhẹ đến nặng, từ đơn giản đến phức tạp, tăng dần cường độ tập.

 

Nên tham gia nhiều loại hình tập luyện vì muốn làm giảm nhỏ bụng mà kiêng ăn hoặc bằng cách thắt bụng không những không làm giảm mỡ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Các hoạt động nặng và chế độ ăn kiêng chỉ thích hợp sau khi kết thúc cho con bú.

 

Theo BS Bạch Long

 Thanh niên