Cách phòng khám Trung Quốc “vẽ bệnh móc túi”

(Dân trí) - Không chỉ mang người phiên dịch ra làm “bia đỡ đạn” đại diện các phòng khám có yếu tố Trung Quốc còn đổ lỗi cho bác sĩ khi chỉ định “vẽ bệnh”.

Bất chấp pháp luật

Sai phạm liên quan đến khám chữa bệnh tại các phòng khám có yếu tố Trung Quốc thực tế nhức nhối, tốn quá nhiều giấy mực của cơ quan truyền thông. Song, bất chấp dư luận các chiêu trò dụ dỗ, hù dọa, vẽ bệnh, thực hiện nhiều kỹ thuật ngoài phạm vi chuyên môn được cấp phép, trắng trợn móc túi người bệnh... ngày càng tinh vi, hiểm độc hơn.

Rất nhiều người bệnh tại TPHCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam là nạn nhân của phòng khám có yếu tố Trung Quốc vì tin lời quảng cáo, bị “sập bẫy” đã gửi đơn thư khiếu nại đến cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động các phòng khám trên là Sở Y tế. Tuy nhiên, sau khi thanh kiểm tra thì các nạn nhân đều không đủ cơ sở pháp lý để chứng minh hành vi sai phạm của những “cỗ máy chém” bởi mọi chiêu trò đã được dựng sẵn, hồ sơ, biên lai liên quan đến quá trình khám chữa bệnh đều “nằm trong tầm kiểm soát” của họ.

Những sai phạm chồng sai phạm đang diễn ra tại các phòng khám có yếu tố Trung Quốc
Những sai phạm chồng sai phạm đang diễn ra tại các phòng khám có yếu tố Trung Quốc

Mới đây nhất, một nam bệnh nhân vì tin quảng cáo đã đến phòng khám Baylor (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TPHCM, thuộc Công ty TNHH đầu tư y tế Quốc tế Đông Á) kiểm tra triệu chứng thi thoảng bị đi cầu ra máu. Nhân sự được giới thiệu là bác sĩ người Trung Quốc đã khám và kết luận anh bị trĩ rồi chỉ định cắt trĩ ngay lập tức, sau khi giảm 30%, giá còn hơn 17 triệu.

Anh không đủ tiền nên phòng khám đồng ý cho đóng trước 9 triệu phần còn lại yêu cầu viết giấy nợ. Nhưng trong quá trình can thiệp, phòng khám Baylor đã vẽ thêm nhiều khoản, bắt bệnh nhân phải đóng tiền. Tiếp đến, họ kê toa bán thuốc và vài ngày lại gọi người bệnh tái khám với chi phí mỗi lần hơn 2 triệu đồng, nhưng bệnh chẳng những không khỏi mà còn nặng thêm.

Sau phản ánh của bệnh nhân ngày 9/2, Sở Y tế vào cuộc kiểm tra thì phát hiện những nhân sự người Trung Quốc làm việc tại đây không có giấy phép hành nghề, nhà thuốc của phòng khám Baylor chưa được cấp phép... Nhưng chủ đầu tư không hợp tác đầy đủ nên phải hơn 10 ngày sau thanh tra mới lập được biên bản, đề xuất Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính 120 triệu đồng.

Biện minh cho chiêu trò “vẽ bệnh móc túi”

Theo Thanh tra Sở Y tế, hầu hết các phòng khám có yếu tố Trung Quốc trên địa bàn thành phố, thời gian qua đều có đơn thư khiếu kiện của người bệnh. Để chấn chỉnh hoạt động tại các cơ sở nêu trên, ngày 14/3 Thanh tra Sở Y tế đã làm việc với 16 phòng khám có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động.

Danh sách 16 phòng khám có yếu tố Trung Quốc trong buổi làm việc tại Sở Y tế
Danh sách 16 phòng khám có yếu tố Trung Quốc trong buổi làm việc tại Sở Y tế

Tại buổi làm việc, những vấn đề liên quan đến các khiếu nại của người bệnh về hành vi “vẽ bệnh”, khám và chữa trị không có bảng giá, người phiên dịch thiếu và yếu kiến thức ngoại ngữ, tư vấn bệnh, chỉ định, kê toa bằng tiếng Trung Quốc, người hành nghề không có chứng chỉ, hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép... đã được thanh tra Sở Y tế nêu ra.

Lý giải cho hành vi “vẽ bệnh” móc túi bệnh nhân, đại diện phòng khám Hoàn Cầu cho rằng: dùng từ vẽ bệnh là không đúng, bởi bác sĩ Nội - Ngoại khoa có thể sẽ đưa ra những chẩn đoán khác nhau về 1 ca bệnh cụ thể. Ngoài ra, đại diện phòng khám này còn cho rằng việc bác sĩ thu tiền khám chữa bệnh cao thì chủ đầu tư khó kiểm soát được bởi đó là sự thỏa thuận của bác sĩ với người bệnh.

Đại diện phòng khám Cộng Hòa thì cho rằng, nguyên nhân khiến người bệnh phải thực hiện các phương pháp điều trị ngoài từ vấn của bác sĩ có thể là do người phiên dịch không sát nghĩa hoặc người phiên dịch không chuyển tải đúng các thông tin. Phiên dịch cũng là người ghi chép các chẩn đoán, chỉ định của bác sĩ nên có thể có những sai sót.

Ông Bùi Minh Trạng đề nghị các phòng khám tuân thủ các quy định của pháp luật
Ông Bùi Minh Trạng đề nghị các phòng khám tuân thủ các quy định của pháp luật

Ông Nguyễn Hải Linh, phụ trách phòng khám Nguyễn Trãi thì cho rằng, những tồn tại đang xảy ra là do ngành y tế chưa có quy trình chuẩn cho hoạt động khám chữa bệnh tại phòng khám tư có yếu tố nước ngoài nên các cơ sở không biết phải làm thế nào cho đúng. Nhiều ý kiến khác thì cho rằng đang có sự kỳ thị gây khó khăn từ cộng đồng đối với các phòng khám có yếu tố Trung Quốc.

Trước các vấn đề trên, ông Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế, khẳng định: Sở Y tế đã tổ chức tập huấn các quy trình, phổ biến quy định pháp luật đối với hệ thống y tế tư nhân nên không có chuyện chưa có quy trình chuẩn. Ngành y tế không phân biệt đối xử đối với bất kỳ cơ sở y tế nào dù công lập hay tư nhân, trong nước hay nước ngoài, mọi cơ sở đều được đối xử bình đẳng vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Chánh thanh tra Sở Y tế đề nghị các phòng khám có yếu tố Trung Quốc phải nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động theo đúng quy định pháp luật. “Tất cả các bác sĩ nước ngoài khi hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp giấy phép hành nghề. Mỗi bác sĩ phải có một phiên dịch viên được thẩm định trình độ ngoại ngữ. Hoạt động khám chữa bệnh phải có bảng giá, thực hiện tư vấn, chỉ định điều trị có phân loại bệnh và đúng bệnh, kê toa cho người bệnh bằng tiếng Việt, không được thực hiện các phương pháp điều trị ngoài nội dung tư vấn hoặc ngoài phạm vi chuyên môn được cấp phép. Mọi sai phạm xảy ra tại phòng khám, người phụ trách chuyên môn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Những cơ sở cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, xem xét đến việc rút giấy phép nếu mức độ sai phạm nghiêm trọng”.

Vân Sơn