Cách ăn “khôn ngoan” trong những ngày Tết

(Dân trí) - Chọn lựa thực phẩm và làm thế nào để vừa tham dự được đầy đủ các bữa tiệc mà vẫn giữ được sức khỏe trong ba ngày xuân là băn khoăn thường gặp của nhiều bà nội trợ. Những “bí kíp” do các chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ dưới đây sẽ giúp bạn.

Chọn thực phẩm thấp năng  lượng

 

Món ăn ngày Tết ở Sài Gòn rất đa dạng phong phú nhưng để tránh cảnh phải ăn kiêng những ngày sau Tết, ta cần có phương pháp ăn khôn ngoan. Đó là không phải nhịn ăn, vẫn ăn ngon và ăn đủ chất nhưng lại vẫn kiểm soát được trọng lượng của mình.

 

Theo TS. BS Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TPHCM: “Nếu chỉ dùng biện pháp giảm khối lượng thức ăn thì vẫn chưa đủ, cần phải biết chọn lựa các loại thực phẩm thấp năng lượng như trái cây, rau - củ - quả để thay thế phần nào cho các món ăn chế biến nhưng giàu năng lượng như chất béo, bột đường”. 

 

Cách ăn “khôn ngoan” trong những ngày Tết - 1
 

 

Ngoài ra, người nội trợ phải luôn biết chọn thực phẩm tươi, mới, ngon. Ví như nấm tươi thì phải chọn loại có màu trắng hay xám, không chọn loại có màu vàng sẫm. Còn heo quay thì không chọn loại có lớp da màu quá đỏ, chọn nơi chế biến có uy tín, có thịt quay mới liên tục. Dưa hấu thì chọn quả có hình dáng cân đối, vỏ xanh thẫm, không có vết lồi lõm, xù xì, quả nhẹ là dưa chín. Lạp xưởng chọn loại ở trong bao bì hút chân không, có hạn sử dụng rõ ràng.

 

Những thực phẩm tươi mới còn phải được chế biến đúng cách, để không làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Trong mỗi bữa ăn, ta chú ý chọn thực đơn sao cho có sự cân bằng giữa lượng rau củ và thịt để dễ tiêu hóa. Nếu được, thiết kế sẵn thực đơn cho 3 ngày Tết, đây là cách chủ động tốt nhất để chống thừa cân, béo phì. 

 

Vào những ngày trong Tết, nếu được, ta nên thường xuyên sử dụng nguồn thực phẩm nhiều nước, giàu chất xơ như các loại rau, củ, quả, ngũ cốc, bánh mì đen thay cho những loại thực phẩm có nhiều chất béo và bột đường. Những thực phẩm loại này không chỉ giúp ta đạt được cảm giác ăn đủ và ăn no, mà còn giúp ta kiểm soát được phần năng lượng đưa vào.

 

Không chỉ chọn các loại nguyên liệu ít chất béo, người nội trợ còn phải chọn cách chế biến, hạn chế việc thêm chất béo vào món ăn như: dùng cách hấp để chế biến món ăn thay cho việc xào hay chiên, nếu bắt buộc phải chiên xào thì dùng dầu thực vật thay cho mỡ…

 

Bảo quản thực phẩm

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thu, Phòng truyền thông Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết: “Mùa Tết là tháng có thời tiết nắng nóng, nếu chúng ta không bảo quản kỹ các loại thức ăn, dù là thực phẩm khô, cũng dễ gây hư hỏng, bỏ thì phí mà dùng thì rước bệnh vào thân”.

 

Do đó, điều đầu tiên cần chú ý là việc giữ vệ sinh, nhất là vệ sinh đôi bàn tay, trước khi tiếp xúc với thực phẩm. Thường xuyên giữ tay sạch trong quá trình chế biến thực phẩm. Ngoài ra, dụng cụ dùng cho việc nấu nướng cũng như khu vực nấu nướng cũng phải luôn sạch sẽ.

 

Để riêng biệt các loại thực phẩm tươi sống và chín, ngay cả việc dùng dao, thớt cho việc chế  biến hay chứa đựng thực phẩm sống và chín cũng phải được biệt riêng.

 

Đối với các loại thịt, thịt gia cầm, hải sản, trứng… cần phải được nấu chín ở nhiệt độ tối thiểu 70oC. Khi cần dùng lại những thức ăn cũ, nhớ hâm lại kỹ và chỉ nên hâm lại 2 lần, vì hâm nhiều lần chất bổ dưỡng trong thực phẩm đã bị mất mà còn có thể sinh ra các chất độc hại trong thực phẩm đó.

 

Bảo quản các loại thực phẩm khô dịp Tết như trứng. Có nhiều cách như vùi trứng vào trong muối, hay dùng khăn ướt lau qua một lượt trước khi cất vào tủ lạnh… và chú ý trứng gia cầm không được để gần hành tây, củ gừng vì trứng sẽ rất dễ bị hỏng.

 

Còn lạp xưởng, vịt lạp treo nơi khô ráo, bọc bên ngoài lớp giấy thấm dầu để hút dầu mỡ và không treo chung với các loại thủy sản khô, bánh tét - bánh chưng càng phải được treo xa các loại thực phẩm khô trên. Riêng rau sống, chọn phần tươi xanh, không rửa nước mà cuộn nhẹ tay rồi cho vào cất trong ngăn tủ mát, khi dùng thì đem rửa sạch trước khi chế biến.

 

Nhận biết thực phẩm không đủ chất lượng 

 

Cách ăn “khôn ngoan” trong những ngày Tết - 2
 

 

Cũng theo ThS. Thu: “Chỉ nên nấu các món ăn đủ dùng trong thời gian ngắn, tốt nhất là dùng hết trong bữa. Còn như thấy thức ăn có các mùi vị khác lạ, nấm mốc, chảy nhớt…, thì nên bỏ đi, không nên tiếc mà cố chế biến để dùng, rất nguy hại cho sức khỏe”.

 

Nên tránh mua, ăn các loại bánh mứt có màu sắc sặc sỡ, những thực phẩm đóng hộp quá thời hạn sử dụng, hay còn thời hạn mà bị biến dạng bên ngoài hộp như rỉ sét, phồng lên….cũng đừng tiếc mà dùng.

 

Ngọc Thanh