Các rối loạn đi tiểu ở phụ nữ và cách điều trị

Dân trí) - GS TS Trần Lê Linh Phương, trưởng Phân khoa Niệu, BV ĐH Y dược, Phó chủ nhiệm khoa Tiết niệu, ĐH Y dược TPHCM, vừa có những tư vấn về các rối loạn đi tiểu ở phụ nữ và cách điều trị.

Theo PGS TS Linh Phương, các rối loạn đi tiểu ở phụ nữ gồm có: tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp không kiểm soát và tiểu không kiểm soát khi gắng sức.

Tiểu gấp là cảm giác mắc tiểu mà khó chịu đựng được. Tiểu nhiều lần là tiểu với số lượng nước tiểu ít > 8 lần/ngày. Tiểu đêm: tiểu nhiều hơn 1 lần/đêm. Tiểu gấp không kiểm soát: són tiểu khi đang vào nhà vệ sinh. Tiểu không kiểm soát khi đăng gắng sức: són tiểu khi hắt hơi, cười, gắng sức.

Các rối loạn đi tiểu ở phụ nữ và cách điều trị
PGS TS Trần Lê Linh Phương tư vấn các rối loạn đi tiểu ở phụ nữ và cách điều trị cho chị em phụ nữ Đà Nẵng

Theo PGS TS Linh Phương trước tiên người bệnh có thể áp dụng những phương pháp như:

Thay đổi chế độ ăn: Tránh táo bón: táo bón thể tạo áp lực lên bàng quang, ảnh hưởng đến chức năng bàng quang. Ăn nhiều chất như đậu, mì sợi, yến mạch, ngũ cốc, bánh mì, trái cây rau xanh. Duy trì cân nặng. Không hút thuốc bởi thuốc gây kích thích bàng quang; ngoài ra ho nhiều do hút thuốc cũng dễ bị són tiểu. Tập thể dục.

Uống nhiều nước: Bệnh nhân thường không dám uống nước sợ đi tiểu nhiều nhưng chính nước tiểu đặc gây kích thích bàng quang, tiểu lắt nhắt. Vì vậy, nên uống 2-3 lít nước/ ngày và tránh uống nước 2-3 giờ trước khi đi ngủ.

Tập bàng quang: Mục tiêu tập cách ức chế cảm giác tiểu gấp, trì hoãn việc đi tiểu, đi tiểu theo thời gian biểu. Khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu lý tưởng: 2-4 giờ. Ức chế cảm giác tiểu gấp: ngồi xuống, hít thở sâu bằng miệng, tưởng tượng đến những hình ảnh thư giãn để cảm giác tiểu gấp trôi qua và đi tiểu vào thời gian đã định.

Kiểm soát cảm giác mắc tiểu: Đó là người bệnh cần ngưng ngay công việc đang làm, ngồi xuống hoặc đứng yên. Nhíu chặt các cơ vùng chậu nhiều lần (không giãn cơ quá mức giữa các lần co cơ). Thư giãn phần cơ thể còn lại, hít thở sâu để giảm áp lực, tập trung ức chế cảm giác tiểu gấp.

Nếu áp dụng những phương pháp trên mà vẫn không khỏi, người bệnh có thể điều trị bằng thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt với nhóm kháng cholinergic có tác dụng để giúp bàng quang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ.

Nếu dùng thuốc vẫn không được, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào cơ bàng quang cho người bệnh. Nhưng với phương pháp này chi phí hơi cao.

Đối với tiểu không kiểm soát (là tình trạng nước tiểu thoát ra ngoài qua ngã niệu đạo, bệnh nhân không giữ lại được), PGS TS Linh Phương cho biết, để điều trị, các bác sĩ sẽ phẫu thuật để treo bàng quang hoặc đặt băng nâng đỡ niệu đạo hoặc cơ thắt niệu đạo nhân tạo, bơm thuốc. Các cuộc phẫu thuật cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày.

Khánh Hồng