Các ca tử vong, hôn mê sau tiêm phòng là vì sốc độc tố

"Bệnh lý mấc phải của các cháu sau khi tiêm văcxin phòng bệnh quai bị - sởi - rubella nhiều khả năng là do sốc độc tố, chuyên môn gọi là toxic shock. Nhưng do độc tố gì và tại sao dẫn đến sốc thì hiện chưa thể kết luận được", Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thế Dũng cho biết.

Kết luận này đưa ra sau khi được hội chẩn bởi một Hội đồng các nhà khoa học ngành y tế tại TP HCM chiều 12/5. Để có kết luận chính xác đảm bảo tính khách quan về nguyên nhân gây sốc độc tố cho các trẻ, mẫu văcxin sẽ được chuyển sang phòng kiểm nghiệm chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) thực hiện.

 

Bên cạnh đó, các nhà chuyên môn cũng đang chờ kết quả nuôi cấy vi khuẩn của Bệnh viện Nhi đồng I. Trong khi chờ có kết quả chính thức, ngành y tế thành phố sẽ gấp rút thành lập nhóm chuyên gia điều tra khẩn cấp tình hình dịch tễ của bệnh trên địa bàn. Việc điều tra này được xem là một công trình nghiên cứu khoa học do Viện trưởng viện Pasteur TP HCM Nguyễn Kim Tuyến và phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Lê Trường Giang làm chủ nhiệm.

 

Đến chiều 12/5, tình trạng sức khỏe các cháu bé bị biến chứng vì tiêm ngừa đã tốt hơn rất nhiều. Trong hai cháu phải thở máy, một đã tự thở được, cháu còn lại sức khỏe được cải thiện theo chiều hướng tốt. Ba cháu nhập viện sau đó vì sốt nhẹ vẫn tiếp tục được theo dõi với sức khỏe bình thường.

 

Đơn vị sản xuất khẳng định văcxin của mình “vô tội”

 

Bà Nguyễn Tường Vy đại diện Công ty GlaxoSmithKline, đơn vị sản xuất văcxin Priorix - cho VnExpress biết, văcxin tiêm phòng quai bị - sởi - rubella thuộc lô hàng mang ký hiệu A69CA409A sản xuất tháng 8/2005 gồm 25.000 liều. Việt Nam nhập 10.000 liều trong số đó vào tháng 11 và 12/2005, có hạn sử dụng 24 tháng sau ngày sản xuất. Số còn lại được phân phối đến 3 nơi khác là Srilanka, Đài Loan, Bangladesh.

 

Ngay khi nhận được thông báo của Trung tâm y tế quận 5 và Sở Y tế TP HCM, đại diện phía Việt Nam đã báo ngay sự việc về công ty mẹ bên Bỉ. "Phía Bỉ đã lấy mẫu lưu trữ của lô hàng để kiểm nghiệm. Kết luận phân tích cho thấy, chất lượng mẫu lưu trữ văcxin trên vẫn bình thường, đảm bảo đủ các yêu cầu về mặt chuyên môn", bà Vy khẳng định.

 

Bà Vy cũng quả quyết, việc vận chuyển văcxin từ nơi sản xuất đến đơn vị sử dụng luôn đảm bảo tuân thủ theo quy trình chuẩn với các quy định nghiêm ngặt của thế giới. Công ty GlaxoSmithKline cũng có cử đại diện đến xem xét kho bảo quản văcxin của Trung tâm y tế quận 5. Bà Vy cho rằng, việc đánh giá tình hình thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Trung tâm y tế quận 5 là đơn vị y tế nhà nước được phép thực hiện tiêm chủng, chắc chắn phải được huấn luyện kỹ thuật bảo quản và sử dụng văcxin. "Mặc dù rất đau lòng về tình trạng bị biến chứng do tiêm ngừa của các cháu bé, nhưng phía Công ty GlaxoSmithKline vẫn tin rằng sản phẩm của mình vô tội trong sự việc này", bà Vy nói.

 

Tập trung điều tra nguyên nhân

 

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình đã trao đổi với báo giới về vụ việc nghiêm trọng liên quan đến văcxin Priorix vừa xảy ra ở TPHCM.

 

Theo ông, có những nguyên nhân nào được coi là “có khả năng” dẫn đến vụ việc nói trên?

 

Chúng tôi đang điều tra thật kỹ xem nguyên nhân tại sao. Nếu nguyên nhân là do văcxin thì thông thường một lô văcxin không tập trung một nơi mà phải cấp cho nhiều địa điểm tiêm. Hiện tất cả các cán bộ của Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm định văcxin đều đang tập trung điều tra dịch tễ, lấy mẫu văcxin... Điều tra dịch tễ xem có thêm trẻ cùng tiêm văcxin này bị tai biến hay không thì sẽ có kết quả sớm. Còn chất lượng văcxin có thể sẽ có kết quả muộn hơn.

 

Có nhiều trẻ được tiêm tại tuyến phường xã nhưng khi kiểm tra lại thấy không có kháng thể miễn dịch. Điều này đặc biệt nghiêm trọng bởi hậu quả sẽ còn kéo dài?

 

Không thể lấy một vài trường hợp lẻ tẻ để đánh giá về chất lượng văcxin. Có rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến việc có đáp ứng miễn dịch hay không, kỹ thuật tiêm chẳng hạn...

 

Có một vấn đề là các thuốc ít số đăng ký, Cục Quản lý dược đã khuyến cáo để nhiều hãng thuốc nhập khẩu nhằm giảm giá thành, tăng sự lựa chọn...Tại sao loại văcxin này là duy nhất ở VN mà các ông không làm như cơ quan quản lý dược?

 

 Các dự báo về loại bệnh tật có thể xảy ra ở các khu vực, Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo nên nhập cái gì để vừa đảm bảo về mặt sức khỏe, mà các nhà kinh doanh người ta nhập vào cũng phải bán được.

 

Thưa ông, sau vụ việc này đã có một tâm lý là phụ huynh quá sợ và lo lắng, không dám đưa đi tiêm phòng. Bộ Y tế có khuyến cáo gì?

 

Trong vụ việc này, chúng tôi đang tập trung xem nguyên nhân từ đâu, có thể do văcxin hoặc không phải mà là các nguyên nhân khác, ví như trong quá trình vận chuyển hay vì một lý do nào đấy. Phải xem xét tất cả những người được tiêm, bởi bây giờ chúng ta mới thấy có hiện tượng sau khi tiêm một số cháu có biến chứng. Bộ Y tế đã có biện pháp tạm thời là yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm tiêm chủng để đảm bảo an toàn. Còn tiêm văcxin là biện pháp phòng bệnh rất tốt, vẫn rất cần tiêm.

 

Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã có yêu cầu gì với hãng sản xuất và cung cấp văcxin?

 

Lỗi từ đâu phải xử lý ở đó. Nhưng tất cả đều phải trên quan điểm công bằng. Trước mắt phía mình phải tìm xem nguyên nhân gì đã, văcxin đảm bảo mới cho nhập khẩu vào VN. Còn nếu đúng do văcxin thì mới yêu cầu người ta phải có trách nhiệm.

 

Theo Vnexpress & Tuổi trẻ