Các bệnh trẻ dễ mắc trong mùa tựu trường

(Dân trí) - Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh cúm, các bệnh hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết là những căn bệnh trẻ dễ mắc trong mùa tựu trường. Tuy nhiên, chỉ cần dạy trẻ thay đổi hành vi liên quan đến vệ sinh, thói quen là có thể phòng mắc các căn bệnh này.

Bệnh tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa

Theo Cục Y tế dự phòng, đây là căn bệnh có rất nhiều nguy cơ lây lan trong trường học, đặc biệt là khối nhà trẻ, mẫu giáo. Bởi bệnh lây trực tiếp qua đường phân – miệng, chỉ cần vệ sinh bàn tay chưa sạch khi đi vệ sinh, bàn tay bẩn tiếp xúc đồ chơi, trẻ khác chơi, ngậm vào miệng là hoàn toàn có thể lây nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng.

 

1-truonghoc-1441901117248
Môi trường trường học đông đúc, tựu trường đúng giai đoạn chuyển mùa nên có nguy cơ lây lan dịch bệnh ở học sinh - sinh viên

 

Đặc biệt, con số người lành mang trùng đến 71% là rất đáng ngại. Ở người lớn có thể mang trùng nhưng không biểu hiện bệnh. Nhưng nếu để lây cho trẻ, trẻ rất có nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng yếu.

Ngoài ra các bệnh rối loạn đường tiêu hóa cũng hay gặp trong mùa tựu trường do trẻ ăn phải thực phẩm không đảm bảo, như thức ăn vỉ hè sau mỗi ngày tan học, thức ăn tại bếp ăn trường học.

Do bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu hóa lây qua đường phân miệng nên việc rửa tay sạch bằng xà phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phòng bệnh.

Để phòng bệnh tay chân miệng trong trường học, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình... Các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ... Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa gây đi ngoài, cần chủ động bù nước cho trẻ bằng oresol pha đúng cách, không pha đặc hay loãng hơn mà đúng với hàm lượng được hướng dẫn để cơ thể hấp thụ, bù lượng dịch đã mất qua tiêu chảy.

Nguy cơ lây lan sốt xuất huyết trong trường học

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, so với các tháng đầu năm dịch SXH có tăng nhưng vẫn giảm hơn so với giai đoạn 2010 - 2014. dịch SXH đang gia tăng cục bộ tại một số tỉnh thành trong cả nước như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu... nơi có nhiều khu công nghiệp, người dân trọ đông, nhà ở chật chội và có nhiều bình, dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Sốt xuất huyết thường phát triển theo chu kỳ 1 năm 1; mỗi năm có 1 đỉnh dịch, xuống-lên và đỉnh thường rơi vào tháng mùa mưa trước tháng 8, 9 hoặc 10. Đây là thời điểm lý tưởng cho muỗi truyền sốt xuất huyết sinh sôi, gây bệnh.

“Tháng 9, tháng 10 cũng là mùa tựu trường trùng với đỉnh dịch của SXH nên nguy cơ dịch bệnh trong trường học không thể chủ quan”, ông Bắc nói.

Trong khi đó, SXH là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, đường lây truyền dễ dàng qua muỗi vằn đốt. Chưa kể, do không có miễn dịch lâu dài nên về lý thuyết, một người có thể mắc 1 hoặc cả 4 tuýp SXH nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Muỗi vằn đốt người mắc bệnh và truyền bệnh cho người khác, vì thế, còn muỗi là còn SXH. Vì thế, để phòng bệnh trong trường học, ngành y tế cần tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tại gia đình. Hằng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học (bể nước dự trữ, bể nước cứu hỏa, bể nước nhà vệ sinh...). Thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh, trẻ em...

Dễ mắc bệnh đường hô hấp

Mùa tựu trường đúng thời điểm chuyển mùa hè – thu, thời tiết thay đổi là yếu tố khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, cúm, viêm mũi họng, viêm phổi.

Bệnh đường hô hấp lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, giọt nước bọt bắn ra khi nói chuyện. Vì thế, trong lớp dù chỉ có 1 trẻ cúm, 1 trẻ sốt vi rút mà không cho nghỉ học, cách ly ở nhà thì rất có nguy cơ lây sang các bạn cùng lớp. Đó là nguyên nhân của nhiều ca sốt tập thể trong cùng một lớp học do lây lan bệnh về đường hô hấp.

Do lây qua đường hô hấp, việc che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên tiêu diệt vi rút, vi khuẩn để không lây qua đồ vật chung, lây lan cho các bạn học là rất cần thiết.

Theo ông Trương Đình Bắc, người lớn cần giáo dục trẻ khi ho, hắt hơi cần che miệng bằng khăn giấy rồi bỏ khăn giấy đúng nơi quy định. Nên bỏ thói quen hướng dẫn trẻ dùng tay che miệng khi hắt hơi. Vì khi dùng tay, vi khuẩn, vi rút qua giọt nước bọt bắn ra tay, nếu trẻ sờ nắm đồ vật dùng chung như đồ chơi, tay nắm cửa... trẻ khác chạm vào, dụi tay lên mũi miệng là hoàn toàn có thể lây bệnh về đường hô hấp. Cần khuyến khích trẻ luôn mang theo khăn giấy, nếu không có thì lấy ống tay áo che miệng khi ho và phải luôn nhớ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để giảm nguy cơ lây cho các bạn khác. Rửa tay xà phòng rất dơn giản nhưng nó có giá trị phòng 30% nguy cơ mắc bệnh hô hấp và 50% nguy cơ mắc bệnh đường ruột.

Vì là bệnh lây qua đường hô hấp nên khi trẻ ốm, sốt, xổ mũi tốt nhất nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn khác.

Trong giai đoạn chuyển mùa này cũng cần cho trẻ ăn uống đủ chất, tăng cường sức khỏe để phòng các bệnh dễ mắc ở thời điểm giao mùa.

Tú Anh