Buộc thôi việc hộ lý 2 lần nhận tiền của người bệnh

(Dân trí) - Nữ Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua đường dây nóng, một cháu bé đi tiêm chủng nhưng không có vắc-xin, đã được tiêm ngay. Một trường hợp ở Bạc Liêu, 2 lần bị phản ánh việc hộ lý nhận tiền của người bệnh đưa, cán bộ đó đã bị cho thôi việc…

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên truyền hình tối 2/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin nhiều kết quả thu được về việc kiểm tra, chấn chỉnh y đức qua hoạt động của đường dây nóng y tế triển khai trên cả nước thời gian qua.

Khẳng định về hiệu quả của đường dây nóng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đây là một giải pháp mà Bộ Y tế đã làm rất thức thời, quyết liệt, để hạ hỏa ngay bức xúc của người dân khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập.

Bộ trưởng Y tế cho biết, sơ kết hai tháng thực hiện đường dây nóng  vừa qua cho thấy rất hiệu quả. Trong tổng số các cuộc gọi đến đường dây nóng, khoảng 50% cuộc gọi đúng nội dung và 50% cuộc gọi không đúng nội dung hoặc là do người dân muốn “check” thử xem có đường dây nóng tồn tại thật, có người trực máy hay không. Nội dung các cuộc gọi tập trung vấn đề phản ánh thái độ và quy trình khám chữa bệnh, khen ngợi cán bộ y tế làm việc tốt.  
Bộ trưởng Y tế khẳng định hiệu quả tốt của đường dây nóng sau 2 tháng triển khai.
Bộ trưởng Y tế khẳng định hiệu quả tốt của đường dây nóng sau 2 tháng triển khai.

“Trong số những cuộc gọi đúng nội dung thì có đến 40% phàn nàn về thái độ không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt của nhân viên y tế. Ở đây, tất cả các trường hợp bị phản ứng ở dưới bệnh viện thì bệnh viện xử, phản ánh với Sở Y tế thì Sở xử ngay, còn nếu phản ánh đến Bộ Y tế thì hoặc chúng tôi gọi điện trực tiếp xử lý, không thì có công văn để Sở Y tế xử lý” – Bộ trưởng Tiến trao đổi.

Với đề nghị cho dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Y tế điểm nhiều trường hợp. Một cháu ở địa phương đi tiêm chủng, nhưng không có vaccine, cán bộ y tế dự phòng cho về, bố mẹ bức xúc gọi đường dây nóng trực trên Bộ, Bộ Y tế gọi điện ngay xuống cơ sở và cháu bé được tiêm ngay. Trường hợp khác, một cụ già đến bệnh viện tỉnh, bác sỹ từ chối không khám chữa bệnh cũng gọi điện phản ánh trên đường dây nóng, Bộ đã liên lạc ngay với giám đốc bệnh viện đó tìm hiểu nguyên nhân và đưa cụ già đó vào khám bệnh ngay.

Nữ Bộ trưởng cũng kể lại trường hợp bản thân đi kiểm tra trực Tết vừa qua, có một cụ già phàn nàn về việc chờ đợi cả ngày để được khám bệnh, Cục quản lý khám chữa bệnh ngay khi đó có công văn gửi Sở Y tế, truy ngay được bác sỹ điều dưỡng thiếu trách nhiệm hôm đó và tiến hành cảnh cáo trước toàn thể bệnh viện, chuyển công tác khác không được làm ở vị trí đó nữa.

Một trường hợp cán bộ y tế khác bị xử lý kỷ luật ở Bạc Liêu, sau hai lần nhận phản ánh qua đường dây nóng về việc hộ lý có nhận tiền của người bệnh đưa, nhân viên đó bị cho thôi việc.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: “Gần đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành bộ Thông tư về quy tắc ứng xử đối với các cán bộ làm công tác dịch vụ y tế và đây cũng là lần đầu tiên thái độ, quy tắc ứng xử văn hóa đạo đức nghề nghiệp được văn bản hóa dưới các văn bản dưới luật như vậy, để có cơ sở pháp lý cho giám đốc các bệnh viện có thể xử lý khen ngợi các cán bộ”.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với nhà mạng Viettel phát cho mỗi bệnh viện một máy điện thoại di động cho các đồng chí giám đốc để cầm trực thay phiên nhau 24/24h. Tiếp đó giai đoạn hai, người đứng đầu ngành dự kiến tiếp tục thiết lập tổng đài di động để có thể tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi đến để xử lý và tiếp nhận ở mọi miền đất nước.

Bộ còn có kế hoạch xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ để bằng khen thưởng cũng như kỉ luật, biện pháp trừ tiền lương trừ tiền thưởng, thậm chí là buộc thôi việc… đối với những cán bộ sai phạm.

Về lâu dài, để khắc phục áp lực quá tải – một phần nguyên nhân khiến các y tá, bác sĩ mệt mỏi dẫn đến thái độ không được ân cần, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đề án giảm tải bệnh viện đã được Chính phủ phê duyệt với nhiều biện pháp tổng hợp.

Theo đó, trước hết, dứt khoát phải tăng thêm số giường bệnh. Thứ hai, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai Đề án vệ tinh, tức là các bệnh viện trên TƯ chuyển giao kỹ thuật cao, hiện đại cho 45 bệnh viện ở 32 tỉnh. Sau thời gian 2 - 3 năm, 45 bệnh viện tỉnh này sẽ tự triển khai được các kỹ thuật cao và bệnh nhân vào điều trị không phải chuyển lên tuyến trên nữa.

Bộ trưởng Y tế cũng thông tin về Đề án 1816 chuyển giao công nghệ từ tuyến trên xuống tuyến dưới để tuyến dưới tự làm. Thực tế người dân cũng không muốn đi xa , lên TƯ để phải chen chúc nên hiện tại, rất nhiều bệnh viện tỉnh đã làm kỹ thuật cao như mổ tim can thiệp tim mạch ngay tại chỗ, mở rộng mạng lưới bác sỹ gia đình để chăm sóc sức khỏe người dân. Đây là những biện pháp lâu dài.

“Hiện tại đối với những chỗ chờ bệnh viện lâu thì đúng là đi khám bệnh ngại thật. Chính vì vậy Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313 cải thiện và mở rộng phòng khám, kê thêm khoa phòng khám bệnh và tăng cường bác sỹ khám sớm hơn, kết thúc sớm hơn và có thể lấy số thứ tự và hẹn giờ trên điện thoại và kê ghế được ngồi đàng hoàng, được hướng dẫn và có cửa riêng cho trẻ em dưới 6 tuổi… Nói chung là cải tổ toàn bộ và giảm bớt thủ tục từ 9 đến 12 chữ ký, để thanh toán bảo hiểm xã hội thì còn khoảng 6 chữ ký; tất cả xét nghiệm cố gắng lấy máu ngay tại nơi khám bệnh, để bệnh nhân không phải chạy đi chạy lại; dùng toa thuốc điện tử để bệnh nhân lấy thuốc nhanh, tính ra trung bình là giảm 40 phút có những nơi giảm 1 tiếng đồng hồ” – Bộ trưởng Y tế nêu rõ.

Người đứng đầu ngành Y nhận định, với việc cải cách thủ tục hành chính, mở rộng khoa khám chữa bệnh và tăng cường các bác sỹ, tăng giờ khám bệnh và bố trí một cách khoa học hơn sẽ góp phần giảm rõ rệt sự phiền hà; một số phòng khám bệnh cũng khang trang hơn, điều kiện không kém các nước xung quanh.

P.Thảo