Bước đột phá có thể trở thành xu hướng ăn kiêng mới

(Dân trí) - Có câu nói rằng chúng ta thường ăn bằng mắt, nhưng thực ra mũi mới là giác quan đóng vai trò chính. Và ngoại trừ những mùi hương gây hiểu lầm như mùi cam ngọt ngào của loại xi rô ho hóa ra là đắng ngắt thì phải chăng ngửi trước khi nếm là một điều tốt?

Bước đột phá có thể trở thành xu hướng ăn kiêng mới - 1

Sự thực không hẳn như vậy, một nghiên cứu mới đáng ngạc nhiên từ Đại học California gợi ý rằng trên thực tế, thính mũi có thể là lý do khiến một số người gặp khó khăn trong việc giảm cân.

Trong một loạt các thí nghiệm, các nhà nghiên cứu Berkeley phát hiện ra rằng những con chuột bị giảm cảm nhận về mùi - do khứu giác của chúng tạm thời bị ức chế trong nghiên cứu - ăn cùng chế độ ăn nhiều chất béo như những con chuột có khứu giác bình thường, nhưng chỉ tăng thêm nhiều nhất 10% trọng lượng.

Trong khi đó, những con chuột có khứu giác bình thường tăng khoảng 100% trọng lượng, lên tới 60g từ 25 đến 30g ban đầu. Khi nhóm chuột thứ hai trở nên béo phì, chúng cũng trở nên giảm nhạy cảm với insulin và không dung nạp glucose, trong khi nhóm đầu tiên không bị.

Sau đó, khi nhóm nghiên cứu thử nghiệm cùng chế độ ăn này cho nhóm chuột có mũi thính hơn, trọng lượng của những con chuột “siêu thính” thậm chí còn tăng hơn nhiều.

Hóa ra, việc ngửi thức ăn trước khi ăn sẽ báo cho cơ thể biết phải làm gì với những calo trong món ăn đó. Sau khi ăn chế độ ăn nhiều chất béo, những con chuột bị giảm khứu giác dễ dàng đốt cháy những calo này, biến các tế bào mỡ màu be (mỡ tích tụ quanh đùi và bụng) thành những tế bào mỡ nâu đốt cháy axít béo để cung cấp nhiệt.

Một số những con chuột bị giảm khứu giác có thể làm được điều này với gần như tất cả các tế bào mỡ màu be, do đó chế độ ăn nhiều chất béo hầu như không ảnh hưởng đến trọng lượng của chúng. Đối với những con chuột này, thậm chí các tế bào mỡ trắng - tế bào mỡ xung quanh các cơ quan nội tạng - cũng thu nhỏ kích thước.

Trong nửa sau của nghiên cứu, các nhà khoa học đã ức chế khứu giác của những con chuột bị béo phì và thấy rằng chúng cũng giảm cân dù vẫn có chế độ ăn nhiều chất béo y như vậy và thậm chí còn lấy lại được đáp ứng glucose lành mạnh. Bước tiếp theo trong nghiên cứu này là xem con người có thể đáp ứng như thế nào với sự can thiệp khứu giác như một biện pháp để kiểm soát cân nặng.

Rõ ràng các hệ thống giác quan đóng một vai trò trong quá trình trao đổi chất. Tăng cân không chỉ là số đo lượng calo nạp vào; nó cũng liên quan đến việc những calo này được chấp nhận như thế nào. Nếu thử nghiệm được xác nhận ở người, có thể tạo ra một loại thuốc không ảnh hưởng đến mùi nhưng vẫn cắt đứt vòng xoắn trao đổi chất. Tuy nhiên, một tác dụng phụ đáng kể có liên quan đến mất cảm giác mùi là tăng noradrenaline, một hoóc môn stress mà ở người có thể dẫn tới cơn đau tim ở mức cao.

Tuy nhiên, kết quả đã khiến các nhà nghiên cứu vô cùng hy vọng về các nghiên cứu tương lai về béo phì và cân nặng trên người. Có lẽ thay vì các thủ thuật phức tạp và nguy hiểm như thắt dạ dày, bác sĩ có thể tạm thời làm gián đoạn khứu giác của bệnh nhân cho đến khi cân nặng của họ dễ kiểm soát hơn.

Cẩm Tú

Theo MSN