Bỏng nặng vì nướng mực

Đầu tháng mười hai, khoa cấp cứu tiếp nhận một bệnh nhân nam 26 tuổi, nhà ở huyện Hóc Môn, TPHCM, vào viện trong tình trạng tỉnh, hốt hoảng, gọi hỏi biết, mặt tái nhợt, chân tay lạnh, than đau rất nhiều ở vùng bị bỏng.

Anh bị bỏng gần như toàn bộ hai chân, bộ phận sinh dục, hai bẹn và một phần mông. Kíp trực xác định anh bị bỏng do nhiệt, bỏng sâu độ 3, diện tích bỏng là 25%.

 

Sau khi qua khỏi cơn nguy kịch, anh kể lại sáng có người bạn qua chơi, hai người bèn mua mực về nướng để buổi trưa nhậu. Anh ngồi xổm dưới đất, dùng dụng cụ nấu lẩu bằng cồn để nướng mực, cho mực lên vỉ nướng rồi đổ cồn vào. Một lúc sau tưởng cồn hết và lửa tắt hẳn, anh nhờ người bạn đổ chai cồn (1/2 lít) vào, vừa mới đổ vào là lửa bùng lên phụt vào người anh gây bỏng và chai cồn bị giật bắn về phía sau.

 

Bỏng là một loại bệnh hay gặp ở khoa cấp cứu, nguyên  nhân thường do sự sơ ý của con người gây ra. Bỏng thường do nhiệt, hóa chất, điện giật, chất phóng xạ... Khi có người bị bỏng, sơ cứu đúng phương pháp cho bệnh nhân, sau đó đưa vào viện ngay.

 

- Đối với bỏng nhẹ (bỏng nông, diện tích bỏng nhỏ), nhất là hai bàn tay thì ngâm ngay phần chi bỏng vào trong nước có đá lạnh, mỗi lần ngâm 20 phút, sau đó rút ra vài phút cho da thở rồi ngâm tiếp, thời gian là 2 giờ. Phương pháp này giúp đỡ đau và đỡ bỏng nước.

 

- Đối với bỏng nặng (bỏng sâu, diện tích bỏng lớn), không cởi quần áo mà cắt bỏ để tránh lột nhiều mảng da rụng khi cởi, chú ý chống lạnh, trời rét phải ủ ấm. Tại chỗ bỏng không nên bôi dầu mỡ, đắp lá. Không nên rửa, chỉ phủ vải sạch rồi chuyển đi. Uống được, cho uống nhiều nước có đường. Khi vận chuyển không để cao đầu.

 

Theo BS Trần Mạnh Hà

Tuổi trẻ