Bỏ túi cách xử lý 5 bệnh hay gặp vào dịp Tết

(Dân trí) - Tết nguyên đán là dịp các gia đình quây quần bên nhau bên những mâm cỗ Tết đầm ấm. Không chỉ ăn ở nhà mình, sang nhà họ hàng, bạn bè việc ngồi xuống ăn vài miếng là chuyện không thể tránh khỏi. Việc nạp vào cơ thể quá nhiều đồ ăn cùng lúc, cũng như ăn những đồ ăn có nguồn gốc khác nhau sẽ khiến cơ thể dễ gặp phải một số bệnh lý nghiêm trọng.

Dưới đây là 5 bệnh dễ mắc phải trong dịp Tết và cách xử lý.

1, Ngộ độc thực phẩm

Tết là thời gian có nhiều ca ngộ độc thực phẩm nhất cả năm
Tết là thời gian có nhiều ca ngộ độc thực phẩm nhất cả năm

Thói quen tích trữ đồ ăn trong ngày Tết và việc ăn uống quá độ, ăn uống thực phẩm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân khiến số ca ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết tăng cao. Khi có triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng quằn quại, buồn nôn, nôn, tiêu chảy thì người bệnh cần nôn hết số thực phẩm đã nạp trước đó ra ngoài.

Đồng thời, cần bổ sung orezol để bù lại lượng nước đã mất. Tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy để cơ thể thải ra các chất độc đã xâm nhập. Ngoài ra, bệnh nhân bị tiêu chảy không nên uống nước ép trái cây đậm đặc vì sẽ làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn do tăng áp lực thẩm thấu trong ruột.

Nếu thấy tình trạng diễn tiến nặng hơn, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

2. Táo bón

Táo bón kéo dài có thể gây nguy cơ bị bệnh trĩ
Táo bón kéo dài có thể gây nguy cơ bị bệnh trĩ

Ăn ngủ không đúng giờ giấc, ít vận động, ăn ít chất xơ, lạm dụng các loại nước giải khát có ga, caffein càng làm cho cơ thể mất nước trầm trọng hơn, dẫn đến táo bón.

Để tránh táo bón trong ngày Tết nên uống nhiều nước, nhất là vào buổi sáng sớm để kích thích nhu động ruột, ăn tăng rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên cám.

3. Đầy hơi khó chịu

Ăn quá nhiều thịt, giò,…ít rau củ và uống nhiều ngước ngọt có ga gây đầy hơi
Ăn quá nhiều thịt, giò,…ít rau củ và uống nhiều ngước ngọt có ga gây đầy hơi

Để tránh hiện tượng đầy hơi, sôi bụng, khi ăn chúng ta cần ăn chậm, nhai kỹ và ngậm miệng, tránh nói chuyện nhiều trong khi ăn. Điều này, giúp chúng ta không phải nuốt một lượng khí đáng kể trong khi ăn. Chúng ta nên bớt uống nước khoáng, thức uống có gas, nếu có thói quen nhai kẹo cao su, cần phải bỏ. Chỉ ăn đậu đã loại bỏ vỏ và giảm ăn các loại rau sản sinh nhiều khí như nói trên.

Ngoài ra, cũng có nhiều thực phẩm giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Khi bị đầy hơi, bạn nên ăn sữa chua, vì chúng rất tốt cho tiêu hóa. Men được sử dụng để làm loại sữa này giúp bảo vệ môi trường sống của vi khuẩn có lợi trong ruột và giúp cho bộ máy tiêu hóa được trơn tru.

Húng tây, thì là bẹ, quế… là những loại gia vị không chỉ mang lại hương thơm cho các món ăn, chúng còn giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt trở lại khi bị đầy hơi. Hơn nữa, những loại gia vị này còn giúp phòng bệnh đầy hơi.

4. Tiêu chảy

Tiêu chảy là một trong những nguy cơ lớn nhất trong Tết
Tiêu chảy là một trong những nguy cơ lớn nhất trong Tết

Trong dịp tết, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của bé, không để bé tự ý mua thức ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên cho bé ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm cần phải vứt bỏ.

Trẻ em và cả người lớn cũng cần ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với rau quả sống, phải rửa kỹ (tốt nhất rửa trực tiếp dưới vòi nước). Thức ăn phải đậy kỹ để tránh ruồi nhặng, không ăn thức ăn bị ô nhiễm.

Khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, cần xử trí bằng cách bù nước, nếu có Oresol là tốt nhất, nếu không thay bằng cháo muối. Cho uống Oresol ngay lần tiêu chảy đầu tiên và đưa bé đến cơ sở y tế nếu thấy bé "đi" nhiều lần không giảm hoặc kèm theo nôn, sốt.

5. Bệnh về gan, ngộ độc rượu

Uống quá nhiều rượu dẫn đến ngộ độc rượu
Uống quá nhiều rượu dẫn đến ngộ độc rượu

Bia rượu là những thức uống không thể thiếu trong những ngày Tết. Nhưng nếu quá sa vào thứ thức uống này, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan... Nguyên nhân là do nếu lượng cồn nạp vào cơ thể quá mức cho phép thì hệ thống men chuyển hóa cồn của gan bị quá tải, không thể thải độc, nên các chất độc hại của cồn sẽ tích tụ làm tổn thương gan.

Đặc biệt, người Việt thường uống những dòng “rượu quê” có ngồng độ cồn khá cao, đồng thời lẫn nhiều tạp chất có hại cho cơ thể, nên nguy cơ bị ngộ độc rượu cao hơn cả.

Chính vì thế, bạn nên giải rượu và giải độc rượu ngay sau khi uống (nếu như bắt buộc phải uống rượu) bằng cách uống cốc trà gừng nóng thêm vài giọt mật ong, uống cốc nước chè xanh đặc, hoặc nước ép cà chua để nhanh chóng giảm bớt tác động của rượu, cũng như giải độc rượu.

Mong rằng với những thông tin trên đây bạn đã biết được cách ứng phó nếu không may gặp phải các vấn đề về sức khỏe trong ngày Tết.

Nguyễn Oanh