Bộ trưởng Y tế Kim Tiến nói về vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân

Nói về vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn trao đổi: “Vụ việc này xảy ra, trước tiên là lỗi quản lý của ngành”.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

 

Dư luận cả nước đang chấn động về vụ việc Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang.

 

Những câu hỏi đặt ra về vấn đề xói mòn y đức, trách nhiệm quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngay sau chuyến công tác trở về, đã thẳng thắn trao đổi: “Vụ việc này xảy ra, trước tiên là lỗi quản lý của ngành”.

 

Thưa Bộ trưởng, trước việc Sở Y tế Hà Nội khẳng định thẩm mỹ viên Cát Tường hoạt động chui, rồi bệnh viện Bạch Mai nói “không biết việc ông Tường có thẩm mỹ viện riêng”, dư luận cho rằng, các đơn vị liên quan đang đùi đẩy trách nhiệm. Quan điểm của Bộ trưởng về việc này như thế nào?

 

Tôi rất đau lòng nói rằng, để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề, là lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt. Nói không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện bệnh viện là không hợp lý.

 

Ngay chiều 22/10, Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh phối hợp Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội và chính quyền địa phương nắm tình hình; tổng hợp, cung cấp thông tin; phối hợp cơ quan điều tra, các cơ quan có thẩm quyền khác trong chức năng, nhiệm vụ được giao theo qui định của pháp luật, đồng thời lập đoàn công tác đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân và thành thật nhận lỗi với nhân dân.

 

Có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng: “Bộ Y tế xin lỗi để làm gì? Cái quan trọng là cần sửa chữa chứ không phải xin lỗi”. Bộ trưởng nghĩ về vấn đề này như thế nào?

 

Như tôi đã nói ở trên, ngay trong chiều 22/10, Bộ Y tế đã khẩn cấp triển khai các công việc: Bên cạnh việc yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ phối hợp các địa phương trên toàn quốc thanh, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn, Bộ Y tế đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp Bộ Y tế rà soát, chủ động trong thanh tra, kiểm tra các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn quản lý.

 

Với sự hỗ trợ , phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ thanh, kiểm tra quyết liệt trên toàn quốc các hoạt động của thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, chúng tôi cần sự chung tay ủng hộ của toàn xã hội.

 

Việc không chỉ thẩm mỹ viện Cát Tường quảng cáo rầm rộ khi chưa được cấp phép, mà còn rất nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo quá sự thật, đại diện Sở Y tế Hà Nội nói khó kiểm duyệt. Ý kiến của Bộ Y tế như thế nào, thưa Bộ trưởng?

 

Việc quảng cáo là quyền của cơ sở hoạt động kinh doanh nhưng họ phải quảng cáo theo đúng phạm vi đã được cấp phép và trong giấy phép cơ quan chức năng đã cấp cho họ.

 

Các cơ sở đó phải có biển quảng cáo theo đúng quy định và trên đó họ phải ghi rõ về giấy phép được hoạt động theo ngành nghề đã được cấp phép.

 

Các tài liệu quảng cáo cũng phải tuân thủ đúng các quy định nêu trên.Về trường hợp các cơ sở chưa có phép nhưng vẫn quảng cáo thì Sở Y tế cần phối hợp các Phòng Y tế quận huyện phải quản lý; ngành chức năng cần thanh tra, kiểm tra thường xuyên và có văn bản gửi các cơ sở để quản lý.

 

Ngay lập tức, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo đề nghị phối hợp chặt chẽ theo đúng quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh quảng cáo mà luật đã quy định.

 

Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng tôi cũng cần sự phối hợp và ủng hộ của của các cơ quan truyền thông nhiều hơn nữa, trong việc thẩm định các nội dung quảng cáo.

 

Vụ việc này xảy ra, một lần nữa dư luận lại đặt câu hỏi về vấn đề xói mòi y đức của ngành y tế?

 

Cá nhân tôi, khi được báo cáo vụ việc này cũng vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ. Không thể chấp nhận được hành động của bác sĩ này và cũng không thể phủ nhận là có một số cán bộ y tế có hành vi sai trái và biểu hiện xuống cấp về y đức..

 

Nhưng ngược lại, ngành y còn vô vàn những bác sĩ tận tâm với về, ngày đêm hết mình cứu sống bệnh nhân. Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nghề y càng cần hơn nữa sự tận tâm, dám chịu trách nhiệm và cả bản lĩnh đối mặt với tai nạn nghề nghiệp, những tai biến không lường trước.

 

Nhưng dù thế nào, để xảy ra thương vong cũng là đau xót của ngành, và đặc biệt là mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân. Qua đây tôi cũng xin thay mặt Bộ Y tế, một lần nữa gửi đến gia đình lời chia buồn sâu sắc và cầu mong sớm tìm được chị.

 

Cảm ơn Bộ trưởng.

 

Theo Nga Anh

Tiền phong