"Bỏ qua" trạm xá khang trang, dân đi thẳng đến viện

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực tế là một tỷ lệ rất lớn các trạm y tế cơ sở không được khai thác đúng, hết năng lực. Ở các vùng sâu, vùng xa người dân phải đi cả ngày đường mới đến được trạm y tế xã. Còn ở đồng bằng, trạm y tế xã được xây dựng khang trang trong khi người dân có thể đi thẳng đến bệnh viện trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ 10-15 phút.

Đó là một trong những vấn đề cần khắc phục mà Phó Thủ tướng đưa ra tại lễ kỷ niệm 60 năm y tế dự phòng diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhì cho Cục Y tế dự phòng.
Phó Thủ tướng trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhì cho Cục Y tế dự phòng.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh; đạt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV, sốt rét, giảm suy dinh dưỡng trẻ em… Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững tại 100% xã, phường đã góp phần giảm mắc hàng trăm, hàng nghìn lần các bệnh có vắc xin phòng ngừa; thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ, chắc chắn ai cũng biết tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ông cũng đánh giá vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực làm y tế dự phòng đúng với nghĩa là “cái gốc” của y tế.

Tuy nhiên có những thời điểm, do sức ép của bệnh tật nên từ việc điều trị đến chính sách, kinh phí dành cho khám chữa bệnh được tập trung nhiều hơn cho các bệnh viện.

Có một thực tế, đó là từ năm 2008, Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách y tế cho dự phòng, nhưng phần lớn các địa phương chỉ dành tỷ lệ 20-25% cho công tác này. Trong khi đó, hiện nay 70% gánh nặng điều trị đến từ các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến tim mạch, tiểu đường… nhưng mới chỉ có 12% kinh phí y tế dự phòng dành cho các nhóm bệnh này.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào những bất cập của y tế dự phòng hiện nay.

“Phải chăng ngân sách Trung ương và nguồn lực nhà nước nên tập trung cho dự phòng còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh cần huy động tối đa các nguồn lực khác, từ đó xem xét việc phát triển, sử dụng kinh phí của bảo hiểm y tế dành cho y tế dự phòng?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Về hệ thống y tế cơ sở, theo Phó Thủ tướng, cần nhìn nhận vào thực tế là có một tỷ lệ rất lớn các trạm y tế cơ sở không được khai thác đúng, hết năng lực.

“Cái đó có một phần rất lớn từ cơ chế. Điển hình việc tổ chức cứng nhắc theo cấp hành chính khiến nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa người dân phải đi cả ngày đường mới đến được trạm y tế xã. Còn ở đồng bằng, trạm y tế xã được xây dựng khang trang dù người dân có thể đi thẳng đến bệnh viện trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ 10-15 phút. Đó là thực tế mà ngành y tế cần dũng cảm nhìn nhận để đề ra những giải pháp đổi mới thực sự tâm huyết, từ quá trình đào tạo đến chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực. Đổi mới đồng bộ, toàn diện nhằm sử dụng tốt nhất hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực của cả dự phòng, điều trị ở cơ sở công lập và ngoài công lập”, Phó Thủ tướng nói.

Nhân dịp 60 năm ngành y tế dự phòng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Cục Y tế dự phòng.

Bộ Y tế trao tặng, truy tặng Giải thưởng Đặng Văn Ngữ đợt I cho 20 tập thể, 99 cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác y tế dự phòng và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hồng Hải