Bọ gậy truyền SXH tập trung nhiều nhất ở bể chứa nước

(Dân trí) - Điều tra bọ gậy nguồn tại 5 quận huyện trọng điểm tại Hà Nội cho thấy, bọ gậy của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) tập trung chủ yếu ở các bể chứa nước và bể chậu cảnh, lọ hoa…

Rất nhiều người dân tại các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân (Hà Nội)… có thói quen tích trữ nước dùng hàng ngày. Hay việc cắm hoa trong lọ, trồng cây cảnh trong chậu ứ nước lâu ngày…chính là môi trường lý tưởng cho bọ gậy của muỗi vằn (loại muỗi truyền bệnh SXH) sinh sôi, phát triển.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội cho biết: Các ca SXH nặng xuất hiện ngay từ tháng 7-8 và cho đến nay vẫn khoảng 20% có biểu hiện lâm sàng nặng, diễn biến cũng khác hẳn so với năm trước, thể nặng nhiều (truyền dịch, xuất huyết, truỵ mạch).
Bọ gậy truyền SXH tập trung nhiều nhất ở bể chứa nước - 1
Tại Hà Nội, rất nhiều bệnh nhân SXH nhập viện điều trị trong tình trạng nặng nề (Ảnh: H.Hải)
 
Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, kết quả giám sát véc tơ truyền bệnh cho thấy ở nhiều quận, huyện, các chỉ số mật độ muỗi Dengue đều ở mức cao vượt ngưỡng gây dịch, nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn. Vì thế, hiện Hà Nội đang tập trung cao điểm để giám sát bọ gậy, muỗi. Thành phố đã chỉ đạo, phối hợp với các quận huyện tổ chức gần 500 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phối hợp với phun hoá chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành nhiễm vi rút ở những phường có nguy cơ cao và có nhiều bệnh nhân. Đã xử lý trên 41 nghìn ổ bọ gậy, thả trên 95 nghìn con cá… Kết quả cho thấy, các chỉ số vét tơ truyền bệnh và số bệnh nhân sau chiến dịch giảm rõ rệt.

Ông Huấn cũng cảnh báo, tuy hiện mật độ muỗi gây dịch lớn nhưng ngành y tế không khuyến khích việc người dân tự phun thuốc diệt muỗi, vì nếu pha thuốc diệt muỗi không đúng nồng độ, tỷ lệ thì muỗi sẽ không chết và sinh ra kháng thuốc. Vì thế, ở các ổ dịch, cán bộ y tế dự phòng sẽ tới phun thuốc diệt muỗi.

Tuy nhiên, người dân cũng cần chủ động trong việc phòng SXH, bằng những hành động đơn giản như thả cá vào bể chứa nước sinh hoạt, không để nước lưu cữu lâu trong lọ hoa, chậu cây cảnh, làm thông thoáng nhà cửa, không để ẩm mốc... thì muỗi sẽ không có điều kiện sinh sôi phát triển.

Về dịch sốt xuất huyết trong cả nước, trong thời gian gần đây, bệnh nhân SXH vẫn không ngừng tăng, trong đó có cả những ca nặng xảy ra ở hầu hết các tỉnh/TP đang có dịch, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM.

Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng trong tháng 8/2009, cả nước có 42 địa phương ghi nhận dịch SXH với tổng số mắc là trên 12 nghìn ca, trong đó 7 trường hợp tử vong. Rà soát các trường hợp của các tháng trước, tích lũy số mắc từ đầu năm đến nay là 44.571, trong đó 37 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2008 (36.894/33), số mắc tăng 20,8%, số tử vong tăng 4 trường hợp.

Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện dịch cúm A/H1N1 đang rất nóng, thu hút sự quan tâm của toàn cộng đồng. Nhưng mọi người cũng cần đặc biệt cảnh giác, đang lưu hành cùng với dịch cúm là dịch SXH. Thực tế, SXH nguy hiểm hơn cúm A/H1N1 rất nhiều, với các biểu hiện nặng nề như xuất huyết tiêu hoá, sốc, truỵ mạch, giảm tiểu cầu. Vì thế, trong tình cảnh dịch bệnh giao thoa hiện nay, cần rất thận trọng, khi có dấu hiệu ốm, sốt nên đưa đi khám để bác sĩ theo dõi, phát hiện bất thường, tránh việc chẩn đoán nhầm là cúm A/H1N1 mà bỏ qua SXH thì rất nguy hiểm.
 
Hồng Hải