Bị viêm mũi dị ứng có nên đi bơi?

(Dân trí) - ThS Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mùa hè, số bệnh nhân viêm xoang, viêm mũi dị ứng tăng mạnh. Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng này là nước hồ bơi.

BS Định cho biết, cứ đến mùa hè, số bệnh bệnh nhân viêm mũi dị ứng và viêm xoang nhập viện điều trị đều tăng, đối tượng chủ yếu là trẻ em 12-15 tuổi.

 

Theo ThS Lê Công Định, môi trường nóng bức, ô nhiễm bụi, khói xe của mùa hè đã là nguyên nhân khiến những người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang rất dễ tái phát triệu chứng. Ngoài ra, những người thường xuyên đi bơi ở bể bơi cũng hay bị viêm mũi dị ứng.

 

Nguyên nhân của sự gia tăng số người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang khi đi bơi là do bản thân những người bị viêm mũi dị ứng rất “nhạy cảm” với các dị nguyên. Nhiều người rất dễ bị lên kịch phát bởi những dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, lông thú vật, mùi lạ, hoá chất tẩy rửa…

 

Trong khi đó, ở các bể bơi Việt Nam luôn sử dụng một lượng chất khử trùng lớn. Nếu bị dị ứng với các hoá chất tẩy rửa, khi đi bơi, bệnh nhân có tiền sử viêm mũi, viêm xoang có thể tái phát bệnh rất nhanh.

 

Vì vậy, sau khi đi bơi, nếu thấy đường mũi khó thở kèm theo các biểu hiện khịt, khạc, xì ra nước mũi trong, mũi màu vàng xanh, mùi hôi tanh, nước mũi chảy xuống họng và kèm theo ho thì đó là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, viêm xoang bị tái phát. Lúc này, nên đưa bệnh nhân hãy đến bác sỹ để được tư vấn dùng thuốc.

 

Những người bị các bệnh lý về mũi, xoang không nên tự ý mua thuốc để nhỏ vì nhiều bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mũi không theo đúng chỉ định có nguy cơ bị mắc thêm bệnh viêm mũi do thuốc, TS Định nói.

 

BS Định cho biết, những trường hợp viêm mũi không chữa trị kịp thời sẽ gây viêm xoang mãn tính. Cần lưu ý, những người có tiền sử viêm xoang, viêm mũi dị ứng tuyệt đối không nên lựa chọn hình thức thể dục bơi ở bể bơi.

 

Hồng Hải