Bi kịch con trẻ

“Con thấy bình thường...”, cô-bệnh-nhân-nhỏ trả lời bác sĩ. Nhưng khi người cha vừa bước ra ngoài theo yêu cầu bác sĩ thì bỗng cô bé khóc thét lên: “Ổng... Chính ổng đã ép con học nhiều quá!...”.

Đó là chuyện có thật xảy ra tại một phòng khám tâm thần nọ. Còn bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, Trưởng khoa khám nhi (BV Tâm thần TPHCM) tâm sự: “Nói thật, cứ đến mùa thi cử, bệnh nhân (BN) mặc áo học trò đến đây nhiều lắm...”.

 

Bệnh nhân mặc áo học trò ! 

 

9 giờ sáng, chúng tôi đến Phòng khám nhi khoa tâm thần ở số 165 A đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận. Các phòng khám đều đông nghẹt BN, đặc biệt là BN “nhí”, trên ngực còn đeo bảng tên trường. Hiện trung bình mỗi tuần có 350- 450 ca bệnh kể trên đến khám tại BV Tâm thần. Vào cao điểm như giáp kỳ thi, có ngày BV tiếp nhận hơn 100 BN. Đó là chưa kể nhiều trường hợp ngại đến BV mà đến các phòng khám tư hay thầy lang.

 

“Hậu quả của mùa thi vừa rồi đó. Nhưng thực ra đây chỉ là số lẻ thôi, phần lớn họ cho con đi khám tư vì ngại mọi người biết”, một bác sĩ cho biết.

 

Vị bác sĩ đưa chúng tôi gặp một BN lứa tuổi này. H, học sinh lớp 9, là con gái rượu trong gia đình khá giả ở quận 10. Bước vào năm học cuối cấp, cha mẹ đặt chỉ tiêu “phải vào trường điểm của quận”. Xác định mục tiêu, cha mẹ bắt đầu triển khai “chiến dịch”: giờ học ở lớp do cha mẹ giám sát, còn khi học thêm thì do người chú và cậu đảm trách. Thế nhưng, mới nửa mùa “chiến dịch”- cuối học kỳ 1 – H đã có dấu hiệu bất thường.

 

Từ chỗ hứng thú siêng năng học tập, em bỗng lơ là chuyện học. Đến giờ học thêm, em lần lữa không đi. Thấy vậy, các thành viên trong gia đình liên tục giám sát nghiêm ngặt hơn. Lợi bất cập hại, em càng tỏ ra lầm lì, ít nói và cứ ru rú một mình trong phòng. Thấy con khác thường, cha mẹ H. thay nhau canh chừng. Và họ đã hốt hoảng khi phát hiện con mình thường nói nhảm khi ngồi một mình.

 

Còn K… là học sinh lớp 12 ở quận Gò Vấp đã phát bệnh khi chuẩn bị thi lấy chứng chỉ Anh văn: sáng, chiều học ở trường; 18 – 21h học tiếng Anh ở trung tâm; tối muộn ôn bài và 4h sáng hôm sau phải dậy ôn tiếp. Đến ngày thi cũng là lúc gia đình phải làm đơn xin cho em nghỉ học để vào bệnh viện do suy nhược cơ thể.

 

Lần theo các hồ sơ bệnh án, được biết không chỉ có những BN mặc áo học trò ở khối lớp 9, 12 mà còn có những em đang học lớp 5, thậm chí chỉ mới vào lớp 1.

 

Người lớn mơ, trẻ con khổ

   

Khi hỏi về bệnh tình của H, ông Hồng - cha của H - thở phào: “May mà phát hiện sớm để đưa cháu đến khám bệnh. Nếu chậm chắc mất đứa con”. Ông Hồng tâm sự: Ngày trước ở quê lên học cấp 3, tôi phải cơm đùm gạo bới, vượt hơn 20km để đến trường. Giờ, con mình đi học có đủ cả, người đưa kẻ đón cũng chỉ mong cháu vào trường điểm cho nở mày nở mặt với bà con họ hàng, thế mà không ngờ… Được biết, sau khi nghe lời bác sĩ khuyên, gia đình không ép uổng con thì sức khỏe của H đã bình phục trở lại.

 

Chị Nga - mẹ của K - kể về đứa con mà nét mặt còn đượm nỗi buồn. Vợ chồng chị sau gần 10 năm lăn lộn làm ăn, ước mơ đã toại nguyện: nhà biệt thự, xe hơi, 2 xưởng sản xuất áo quần, giày dép xuất khẩu đi Nga. Để bằng chị bằng em, chị quyết tăng tốc “món” ngoại ngữ để  con được du học. Thế nhưng, mọi việc đành hoãn lại để con chữa bệnh. K tâm sự: “Cháu học trung bình thôi nhưng bố mẹ lại bắt học nhiều quá. Mệt quá nên nhiều lúc cháu muốn bỏ học”.

 

H, K, …chỉ là số ít trong nhiều học sinh đang trở thành BN do ước muốn của những bậc cha mẹ. Họ buộc con vào đường đua trường chuyên, lớp chọn hoặc đi du học mà bất chấp khả năng học lực của con.

 

Một bác sĩ ở phòng khám còn kể về những ca bệnh cười ra nước mắt. Mới đây, phòng khám tiếp nhận BN… mẫu giáo do không chịu vào học lớp 1. Hỏi ra mới hay, để con vào được trường điểm nên mấy tháng hè bố mẹ cháu đã mời  thầy, cô về dạy kèm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt và cả toán. Lịch học dày đặc đã làm cháu phát bệnh nên mỗi khi nói đến đi học là cháu… tè ra quần, ôm lấy mẹ.  

 

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần tâm sự: Mọi ước mơ của phụ huynh đều tốt đẹp nhưng vì điều đó mà để lại hậu quả cho các em thì thật đáng trách. Nhiều phụ huynh chỉ chăm bẵm cho con ăn ngon, mặc đẹp và buộc con phải học giỏi toàn diện mà chưa quan tâm đến sở thích, tâm sinh lý của các em. Và hậu quả là nhãn tiền….

 

Theo Trần Yên

 Sài Gòn giải phóng

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ