Bệnh viện Phụ sản TƯ: Cứu sống bé sơ sinh nặng... 500g

Giữ “kỷ lục” sinh non nhất trên thế giới hiện nay là Tom Thumb, người Đức chỉ nặng 275g nhưng bé sơ sinh chỉ nặng có 500g thì ở Việt Nam lần đầu tiên gặp. Việc nuôi dưỡng thành công em bé này là một kỳ tích đáng nể của Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

  

Bệnh viện Phụ sản TƯ: Cứu sống bé sơ sinh nặng... 500g - 1

Hiện bé đã có thể ăn 70ml sữa mỗi lần

 
1. Kể từ ngày chào đời vào rạng sáng 31/3/2010, đến nay, bé Bùi Thị Gái đã tròn 2 tháng rưỡi. Giờ đây nhìn bé không ai tin nổi lúc ra đời bé chỉ nhỏ như một cái chai nửa lít, còn đầu vừa bằng “nắm tay” trẻ con, nhỏ hơn cả bé gái nặng 600g năm ngoái. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng khoa Sơ sinh và cũng là một trong những người trực tiếp điều trị cho bé đã mô tả về bé như thế.

 

Nằm trong chiếc giường mềm mại và trắng tinh dành cho trẻ sơ sinh ở Phòng Non 1, chuyên dành cho các cháu sinh non nhất, nhẹ cân nhất, “Cún con” (tên gọi yêu của các bác sĩ, y tá Khoa Sơ sinh đặt cho bé) đang bình yên ngủ, sắc mặt hồng hào, miệng chúm chím như nụ hồng, thỉnh thoảng lại nhoẻn cười theo “mụ dạy”. Khi mới chào đời, không ai có thể hình dung nổi bé lại được như ngày hôm nay.

 

Việc nuôi dưỡng bé là một cuộc chạy đua căng thẳng không biết bao giờ mới tới đích; một đáp trả thách thức tạo hóa đặt ra cho con người. Không một ai trong Khoa Sơ sinh tin rằng Cún có thể “ở lại”. Bố mẹ Cún chỉ còn biết cầu Trời khấn Phật: “Con người ta hơn 1kg còn chẳng biết thế nào.  Con cháu chỉ bằng nửa  thì  chỉ mong Trời, Phật độ trì...”.

 

Đấng tạo hóa đã cho ra đời một sinh linh, nó lại vẫn đang hít thở khí trời, vẫn đang khát khao sự sống thế kia, lẽ nào buông tay để thần chết vung lưỡi hái tử thần? Không, xưa nay “nhân định thắng thiên” cũng nhiều. Vả lại, nghề y là giữ gìn, bảo vệ sự sống... Và các bác sĩ  đã quyết tâm  "thổi hồn" vào cho thể xác đang thoi thóp mà không chịu khuất phục của Cún. Đến bây giờ, khi nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà vẫn còn xúc động: "Khi tiếp nhận bé từ Phòng đẻ về, mặc dù đã đọc trước hồ sơ bệnh án  nhưng tôi và tập thể bác sĩ y tá ở Khoa Sơ sinh vẫn không tưởng tượng nổi bé quá nhỏ và yếu đến thế. Đã thế toàn thân cháu lại tím đen, rúm ró do xuất huyết dưới da và hô hấp kém.

 

Tưởng rằng đã “chai sạn” vì chứng kiến nhiều nhũ nhi sinh  non, thế mà khi nhìn cảnh ấy, không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt”.  Suốt hơn 1 tháng trời mắt Cún con không mở được. Cún cũng không tiểu tiện, đại tiện được như một bé bình thường mà hoàn toàn phải dùng phương pháp nhân tạo... Nhịp tim và mạch chỉ 120 lần/phút trong khi trẻ sơ sinh để sống được phải đạt 150 lần/phút. Trương lực cơ và phản xạ thì hầu như không có... Nguy hiểm hơn cả là bộ phận hô hấp của Cún, dẫu hoạt động nhưng vô cùng yếu ớt. Thông thường, kể cả ở những trẻ sinh non, nhũ nhi phải hít vào thở ra mạnh đến nỗi nhìn rõ cả ngực phập phồng. Còn Cún chỉ thở nấc, nghĩa là thỉnh thoảng mới nấc được một tiếng...

 

Các bác sĩ đã chấp nhận cuộc chơi không cân sức với định mệnh. Những biện pháp đầu tiên mà họ phải làm để cấp cứu cũng như duy trì sự sống của Cún là tạo ra một môi trường vô trùng tuyệt đối để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng xảy ra, nhất là nhiễm trùng máu, hoại tử đường ruột... Sau đó, sử dụng những kỹ thuật, dược phẩm hiện đại nhất khai thông đường thở, làm nở phổi cũng như tăng sức kháng thể cho Cún.

 

Tuy nhiên, tất cả những biện pháp ấy theo bác sĩ Trưởng khoa lại chưa phải là... tối quan trọng. Mà quan trọng nhất chính là việc tưởng chừng rất đơn giản song lại là con đường ngắn nhất dẫn đến với... tử thần, ấy là vệ sinh cá nhân. Nếu Cún không được chăm sóc, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, Cún dễ dàng bị nhiễm khuẩn. Mà đâu phải một mình Cún, điều dưỡng viên, người trực tiếp chăm sóc Cún cũng phải giữ gìn vệ sinh như vậy.

 

Mỗi lần vào phòng Cún, từ cái áo, khẩu trang, mũ đến tay, dép của điều dưỡng viên.... đều phải sát trùng. Rồi ngay chiếc khăn ướt được dùng để lau mỗi khi thay tã lót cho Cún cũng phải sát khuẩn  trước khi sử dụng.  Đến nỗi ngay cả bố mẹ Cún hồi đó, cũng bị hạn chế vào thăm con vì chỉ muốn giữ cho môi trường “vô trùng”. Bởi quy trình chăm sóc đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mẩn như vậy, những người được phân công chăm sóc Cún đều là những điều dưỡng viên vừa có “nghề” vừa mang tinh thần trách nhiệm cao. Họ chính là kíp trưởng của mỗi ca trực ở khoa.

 

Không những phải tạo ra một môi trường trong sạch mà các bác sĩ còn phải “tập” cho Cún ăn sữa, một nguồn dinh dưỡng ngoài chức năng duy trì sự sống, tăng sức đề kháng còn quyết định sự “hòa nhập” của Cún với cuộc sống đời thường sau này khi trở về với mẹ. Những ngày đầu mới làm quen, là những ngày Cún được ăn rất ít sữa, có 8 bữa/ngày thì mỗi bữa Cún chỉ ăn 2ml, bằng 1/10 - 1/20 khẩu phần sữa của một trẻ sơ sinh bình thường. Sau đó, tùy thuộc vào tiêu hóa và thể trạng của Cún mỗi ngày, lượng sữa ấy mới tăng lên 3, 4 rồi 5ml/bữa...  Và đến nay đã là 70ml/bữa.  

 

Đưa cho tôi xem tập Hồ sơ bệnh án của Cún, bác sĩ Hà vừa cười vừa giới thiệu: “Cún con chỉ nặng có nửa cân nhưng Hồ sơ bệnh án cân lên đúng gấp đôi trọng lượng của bé”. Thì đúng thôi, nhẹ cân nhất từ trước tới nay, lưu lại trong Viện cũng lâu nhất từ trước tới nay thì hồ sơ nặng “kỷ lục” là chuyện dễ hiểu. Hơn nữa, trong đó, ghi lại rất cặn kẽ từng bữa ăn, giấc ngủ, từng diễn biến nhỏ nhất, đặc biệt nhất... thì hồ sơ nếu không dày mới là chuyện lạ. Cụ thể như: ngày 31/3 bắt đầu thở máy. Ngày 1/4: ngày đầu tiên tự đi tiểu tiện, cứ 3 tiếng/lần. Ngày 6/4: dừng thở máy chuyển sang thở bóp bóng. Ngày 8/4: bắt đầu ăn sữa mẹ, mỗi bữa 2ml.  Ngày 20/4: tự đại tiện lần đầu tiên. Ngày 15/5: bắt đầu mở mắt, bắt đầu biết khóc, cân nặng 1,1kg... 

 

Khi tôi hỏi: “Mặc dù, điều trị tích cực và chăm sóc cẩn thận như vậy, hy vọng sống của Cún có nhiều hơn không?”. Bác sĩ Hà thành thật: “Chưa thể khẳng định điều gì. Vì khi đó, vẫn liên tục Cún phải trải qua những giờ phút “ngàn cân treo sợi tóc”, vẫn phải đấu tranh giành giật từ tý một sự sống với tử thần, nhất là khi Cún không thở được, tím tái toàn thân, sốt cao không rõ nguyên nhân. Và đã không ít lần...”. Bác sĩ Hà nói tiếp: “... Chúng tôi phải mời bố mẹ Cún lên “làm công tác tư tưởng” để họ chuẩn bị về nhà lo... hậu sự”.

 

Nhưng những giờ phút ấy cũng qua đi và đến cuối tháng 5 vừa rồi, các bác sĩ trong Khoa Sơ sinh đã thở phào nhẹ nhõm khi Cún có những dấu hiệu tích cực như tự thở được mà không cần đến biện pháp hỗ trợ nào. Tự... đại tiện. Không còn những cơn sốt bất thường... Tất cả những điều đó đã chứng tỏ các cơ quan trong cơ thể Cún đã phát triển hoàn thiện và “liên thông” với nhau. Chúng cũng bắt đầu thích ứng với môi trường bên ngoài bụng mẹ...

 

“Bây giờ vấn đề chỉ là khi trở về với mẹ, mẹ Cún phải biết cách chăm sóc trẻ thiếu tháng nhẹ cân để phòng ngừa những căn bệnh có thể xảy ra với Cún. Chúng tôi đã cắt cử người để thực hiện việc này”, bác sĩ Hà cho biết.  

 

2. Để cứu sống và nuôi dưỡng được Cún con trong thời gian qua, không đơn giản chỉ là những kỹ thuật y học, trách nhiệm của những người làm khoa học mà hơn thế còn là tình “mẫu tử” mà các bác sĩ ở Khoa Sơ sinh, đặc biệt là của những điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc dành cho Cún. Bởi nếu không yêu quý như con làm sao những kíp trưởng như chị Lan, Vân, Hà có thể thức khuya dậy sớm, nâng giấc từng bữa ăn, giấc ngủ cho Cún.

 

Trong gần 2 tháng trời, Cún phải thở theo hình thức bóp bóng. Mà bóp bóng hoàn toàn theo phương pháp thủ công chứ không phải hoạt động tự động như máy móc. Thế mà cứ đến kíp trực của người nào thì người nấy ngày hôm ấy cứ đứng bóp bóng đến đỏ cả tay cho Cún thở. Đến nỗi bây giờ cả 3 chị Lan, Vân, Hà xòe hai bàn tay ra đều bị chai do... bóp bóng. Mà nào phải có mỗi chuyện bóp bóng, các chị còn phải làm bao nhiêu việc khác như vệ sinh cá nhân cho Cún, cho Cún ăn, rồi tiêm truyền...

 

Chị Lan tâm sự: “Người ta nói “nâng trứng, hứng hoa” thì tắm cho Cún đúng như vậy. Vì mỗi lần tắm, do quá nhỏ nên bế Cún phải dùng hai ngón tay cái và giữa giữ chặt phía sau đầu. Nhưng quan trọng phải biết giữ chặt đến độ nào là vừa nếu không sẽ làm Cún khóc vì đau. Khi thả xuống nước càng phải cẩn trọng hơn nếu không nước trong chậu sẽ “cuốn trôi” Cún. Nhưng vất vả nhất có lẽ là chuyện cho cún ăn. Mỗi bữa chỉ 2-3ml thôi nhưng phải cho Cún ăn nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng 15 phút. Đã vậy, mỗi lần ăn xong lại phải “canh” xem Cún có nôn trớ không. Nếu có, lại phải cho ăn lại từ đầu. Nói chung, cứ hôm nào đến phiên ai trực thì hôm đó người ấy xoay như chong chóng.

 

Chị Vân tâm sự thật lòng: “Lúc đầu, nhìn thấy chặng đường gian nan phía trước ai cũng ái ngại. Nhưng càng về sau càng quen dần thì sự ái ngại mất đi và thay vào đó là tình cảm gắn bó, yêu thương như hai mẹ con. Bây giờ...”. Chị Vân nói tiếp: “Nếu hôm nào không vào ôm ấp, hít hà Cún một lần là không chịu nổi”.  Nhớ nhất là cái hôm Cún bị cấp cứu vì không thở được, mạch yếu, toàn thân tím tái... chị Lan như ngồi trên đống lửa, vừa đi ra đi vô phòng của Cún để xem các bác sĩ cấp cứu vừa lo lắng, sợ hãi về sức khỏe đang “lịm” dần của Cún.

 

Chỉ đến khi da Cún bắt đầu hồng hào, nhịp thở đều hơn, mạch đập mạnh, nụ cười mới trở lại trên đôi môi chị. Còn cái hôm Cún  bắt đầu mở mắt, tự thở, tự đại tiện được lần đầu tiên, chẳng ai bảo ai thế mà cả 3 chị Lan, Vân, Hà đều reo lên sung sướng “Ôi! Cún thở được rồi. Sống rồi!”.

 

Giành lại sự sống cho Cún là các y, bác sĩ ở đây đã sinh ra bé lần thứ 2. Nhưng điều quan trọng hơn cả là về kỹ thuật y học đã có một sự phát triển vượt bậc ở Khoa Sơ sinh nói riêng và chuyên ngành y khoa về trẻ sơ sinh nói chung. Nhất là trong hoàn cảnh, điều kiện y tế còn khó khăn, thiếu thốn  nhưng “kỳ tích” mà các bác sĩ Khoa Sơ sinh làm nên có thể nói “ngang tầm” với các quốc gia phát triển về y tế.  

 

Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Năm 2009: Cứu sống và nuôi dưỡng một trẻ sơ sinh mới 26 tuần tuổi thai và nặng 600g.

 

Cũng trong năm này: hơn 30 trẻ sơ sinh chỉ nặng từ 700g -900g đã được cứu sống và trở về mới mẹ.

 

Vừa mới đây, tiếp nhận trường hợp 2 anh em sinh đôi sinh non khi mới 26 tuần thai ở Bắc Giang, một em chỉ nặng 500g và em còn lại nặng 600g.

 

Theo Tú Anh

Công an nhân dân