Bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật kịp thời 2 ca bệnh khó

(Dân trí) - Tuần qua, các BS Khoa Cấp cứu và Khoa Thận niệu, bệnh viện Nhi đồng 2 đã phẫu thuật thành công, cứu sống 2 ca bệnh nhi: một bị tai nạn giao thông vỡ gan, một bị sỏi thận hình san hô.

Trường hợp thứ nhất là 1 trẻ bị vỡ gan do tai nạn giao thông. Người nhà bé N.T.T, 5 tuổi, ở Thuận An, Bình Dương, cho biết: Sáng ngày 12/8, khi băng qua đường, bé đã bị xe gắn máy đụng rất mạnh vào bụng. Sau tai nạn bé than đau bụng nhiều và mệt.  

 

Tại phòng Cấp cứu, bé có biểu hiện bị sốc, mạch đập nhanh, huyết áp tuột từ 120/60mmHg xuống còn  65/40mmHg. Bé được hồi sức tích cực, sau đó siêu âm vùng bụng, các BS thấy gan bị vỡ,  lập tức các bác sĩ trực đã hội chẩn và phẫu thuật ngay cho bé.

 

Kết quả cho thấy bé bị vỡ nát hạ phân thùy gan VI, VII, VIII. BS đã khâu cầm máu, lấy phần gan bị dập nát trong ổ bụng ra. Sau đó, bé đã được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, hiện sức khỏe tạm ổn định, dấu hiệu hồi phục tốt.
    

BS Huỳnh Lộc Sơn, người trực tiếp mổ cho biết, đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn vì bé bị mất máu quá nhiều (khoảng 700 - 800ml), huyết đông sau truyền máu vẫn không ổn định, khả năng tử vong rất cao nếu không mổ kịp thời.

 

BS Sơn cũng lưu ý, gan là tạng đặc chứa đầy máu và rất dễ bị tổn thương khi va chạm, nhất là những va chạm đụng dập trực tiếp vùng bụng. Phụ huynh khi gặp trường hợp trẻ nhỏ bị té đập bụng, bị bạn đánh vào bụng, hay bị tai nạn xe đụng mạnh vào bụng... mà bé than đau bụng nhiều thì phải đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa ngay để được cấp cứu càng sớm càng tốt.
   

Tuần trước, Khoa Thận niệu cũng phẫu thuật thành công cho bệnh nhi N.C.C, 7 tuổi,  nhập viện vì đau bụng. Siêu âm phát hiện có sỏi dạng hình san hô ở thận bên trái. Được biết, cháu bé đã được phẫu thuật lấy sỏi ở bàng quang lúc mới 8 tháng tuổi.


BS Nguyễn Văn Quang, Trưởng Khoa Thận niệu cho biết: “Sỏi san hô ở thận là dạng sỏi có các nhánh như san hô, gây đau lưng. Sỏi san hô gây ứ nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng niệu dẫn đến phá hủy dần nhu mô thận. Việc mổ lấy sỏi san hô rất khó, có thể chảy máu nhiều trong và sau mổ thậm chí có thể dẫn đến phải cắt thận để cầm máu”.

Thế nhưng, thành công của ca  mổ  kéo dài trong 2 giờ là bệnh nhi mất rất ít máu. Sau hậu phẫu bệnh nhi đã dần ổn định và ngưng tiểu ra máu vào ngày thứ 2.

Sỏi thận dạng san hô ở người lớn khá thường gặp nhưng sỏi dạng này rất ít gặp ở trẻ em. Thường ở trẻ em là dạng sỏi do rối loạn chuyển hoá, do vậy việc điều trị cho bệnh nhi còn phải chú ý bệnh lý hiện tại để tránh tái phát bệnh về sau”.

Ngọc Thanh