Bệnh viện mời công an, võ sư dạy "chiêu" kỹ năng tự vệ cho nhân viên y tế

(Dân trí) - Sau sự việc bác sĩ tại BV Xanh Pôn bị bố của bệnh nhi đấm thẳng vào mặt khi đang tư vấn bệnh, nhiều bệnh viện đã lên giải pháp an ninh để đảm bảo an toàn cho bệnh viện. BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ còn mời công an về tập huấn cho cán bộ y tế các kỹ năng ứng phó bạo hành.

Ngày 19/04, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức chương trình "Tập huấn các giải pháp an ninh trong Bệnh viện và các kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế"

Sự kiện được sự hỗ trợ của Trung tá NCS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an; Võ sư Đinh Công Lịch - Môn phái Nhất Nam.

Trung tá công an hướng dẫn một số kỹ năng tự vệ trong tình huống nguy hiểm cho nhân viên y tế.
Trung tá công an hướng dẫn một số kỹ năng tự vệ trong tình huống nguy hiểm cho nhân viên y tế.

Theo TS Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khi phải đến viện khám, đó là những người đang không khỏe mạnh, đau đớn, lo lắng, thậm chí bi quan về sức khỏe. Còn người nhà người bệnh là những người không khỏe về tinh thần. Vì thế, họ mang một tâm lý căng thẳng, rất dễ bị kích động, dễ xảy ra những mâu thuẫn, xung đột, nhất là khi kĩ năng giao tiếp, giải quyết tình huống của nhân viên y tế lại chưa thực sự tốt.

Vì thế, bên cạnh việc tập huấn các kỹ năng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra cho nhân viên y tế, việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ vẫn tiếp tục được đề cao, qua đó giúp bác sĩ, nhân viên y tế có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, giảm thiểu, hạn chế tối đa các tình huống xấu có thể xảy ra, tạo được môi trường làm việc thực sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế và người bệnh.

Tại buổi tập huấn, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng một trong những giải pháp thiết thực, đó là hãy dạy võ cho các nhân viên y tế, các nhân viên bảo vệ để họ có thể tự bảo vệ chính mình trước khi có sự can thiệp của các lực lượng chức năng. Tự vệ là quyền của lực lượng bảo vệ và nhân viên y tế.

Tại đây, Trung tá Đào Trung Hiếu và Võ sư Đinh Công Lịch đã hướng dẫn một vài kỹ năng tự vệ cơ bản để cán bộ nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình trong môi trường y tế cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), tuyến Trung ương (20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), kế đó là điều dưỡng viên (15%). Điều đáng nói là có tới 90% số vụ xảy ra trong khu vực Bệnh viện, trong khi nhân viên y tế đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh.

Chia sẻ về quan điểm, nhân viên y tế có nên được trang bị võ thuật để tự vệ, BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho rằng, nếu bác sĩ dành thời gian của việc học võ để đọc sách thì sẽ thêm nhiều bệnh nhân được sống. Nếu dành để học võ, học chạy thì nhiều bệnh nhân sẽ chết. Trong khi đó, giải pháp thuê thêm bảo vệ, nhờ công an “cắm chốt” sẽ bảo vệ được tốt hơn nhân viên y tế, nhưng kéo theo đó chi phí điều trị của người bệnh cũng bị thu thêm cho phần an ninh, sẽ rất khổ bệnh nhân và người nghèo. Vì thế, tôi kịch liệt phản đối hành vi côn đồ của một bộ phận nhỏ, gây ảnh hưởng đến cả bác sĩ, những người bệnh khác.

“Chúng tôi có thể khiến bất kỳ ai tấn công mình trả giá. Nhưng hãy để chúng tôi dành sức lực đó để chống lại bệnh tật đang tấn công bạn", BS Cấp chia sẻ:

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho rằng, học võ không phải là giải pháp cơ bản, bởi vì học võ không thể đánh lại được người nhà bệnh nhân. Ngược lại, các bệnh viện nên có bảo vệ, công an cắm chốt và lắp thêm camera….. Ông Khoa cũng bày tỏ sự bức xúc trước “vấn nạn” nhân viên y tế bị hành hung. Theo ông Khoa, khi bác sĩ bị hành hung, tổn thương về thể xác thì ít nhưng tổn thương về tinh thần sẽ dai dẳng. Đặc biệt, đối với những bác sĩ trẻ, mới ra trường còn bị tổn thương nhiều hơn vì họ chưa có nhiều trải nghiệm, tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và chưa thể tìm ra biện pháp giải tỏa.

Trước vấn nạn nhân viên y tế bị bạo hành, bác sĩ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương đề nghị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ví dụ tuyên truyền, giáo dục nhân viên y tế; tăng mức độ xử phạt với những hành vi bạo hành cán bộ y tế (xử phạt, bỏ tù...). Ngoài ra các bệnh viện cần thuê đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, có nghiệp vụ chứ không chỉ có nhiệm vụ kiểm tra thủ tục giấy tờ người bệnh.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, lực lượng bảo vệ đang được các bệnh viện thuê thực sự không có hiệu quả nhiều trong việc ngăn chặn các cuộc hành hung nhân viên y tế. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị có lực lượng công an, 113 “cắm chốt” tại các bệnh viện để bảo vệ sự an toàn của các nhân viên y tế.

Hồng Hải